“Siêu thầy lang" Văn Đình Tân (ở xóm Chùa, thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) tổ chức hành nghề khám chữa bệnh, bán thuốc không phép nhưng cơ quan chức năng huyện Thường Tín chưa thể xử lý.
Gia Đình Mới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Ngọc, Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Sau khi tiến hành kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của “Siêu thầy lang” Văn Đình Tân, với những sai phạm mà thầy lang này mắc phải các ông đã xử lý thế nào?
Trong thời điểm kiểm tra, lần 1 (ngày 19/7) lang Tân có thái độ chống đối cơ quan chức năng, không chịu ký biên bản kiểm tra, có những lời nói thách thức những người thi hành công vụ.
Nhưng lần kiểm tra thứ hai (ngày 2/8), anh này có thái độ hợp tác hơn.
Cụ thể, khi chúng tôi đến kiểm tra anh Tân không hành nghề nữa, cũng không thấy có các trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc điều trị bệnh…
Chúng tôi đã xin ý kiến và họp bàn với cơ quan công an của huyện Thường Tín để tiến hành kiểm tra, giám sát đối tượng này với mục đích phòng ngừa.
Điều nguy hiểm là đối tượng này hoạt động không chỉ trên địa bàn huyện Thường Tín mà chúng tôi còn thấy anh ta livestream chữa bệnh ở Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Chính vì vậy chúng tôi cần thông báo, giám sát tại địa bàn để xem hoạt động của đối tượng này tại địa phương ra sao.
Đồng thời, thống nhất với công an xã và công an huyện để theo dõi chặt chẽ hoạt động của anh Văn Đình Tân. Nếu tái phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và không buông tha.
Được biết, hoạt động khám chữa bệnh của thầy lang Văn Đình Tân đã diễn ra khoảng 2 năm, trong suốt quãng thời gian này các ông có biết đến sự tồn tại của cơ sở khám chữa bệnh không phép này?
Chúng tôi không hề biết đến hoạt động khám chữa bệnh của vị thầy lang này.
Đến khi được thông báo trên địa bàn có hoạt động khám chữa bệnh trái phép như vậy chúng tôi đã ngay lập tức đi xác minh thông tin và xử lý.
Thậm chí khi chúng tôi đến làm việc anh này còn tỏ thái độ bất hợp tác, đe dọa chúng tôi.
Qua hai lần kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của thầy lang Văn Đình Tân, ông thấy thái độ vị thầy lang này thế nào khi làm việc với đại diện các cơ quan chức năng?
Lần 1 anh này có thái độ chống đối khi chúng tôi đến làm việc.
Bởi anh ta cho rằng, anh ta là thành viên của Hội Đông y Việt Nam nên có quyền hoạt động khám chữa bệnh.
Có một điều bất thường là thẻ hội viên của anh này nhiệm kỳ 2015 – 2020, cấp ngày 12/9/2016, do Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản ký.
Nhưng, thời điểm được cấp thẻ hội viên anh Tân vẫn đang đi học.
Bởi bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành Y sỹ Y học cổ truyền của anh Văn Đình Tân do trường Trung cấp Y – Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cấp ngày 20/11/2017 (số hiệu B704531; Số vào sổ cấp bằng 211/2017/K27-1).
Anh Tân là thành viên của Hội Đông y Việt Nam nhưng lại không là thành viên của Hội Đông y huyện Thường Tín, cũng không là thành viên của Hội Đông y Thành phố Hà Nội.
Điều này làm chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình quản lý và xử lý khi có sai phạm.
Vì những điểm bất thường này nên chúng tôi đang làm công văn gửi lên Hội Đông y Việt Nam để xác nhận thông tin.
Công văn này sẽ gửi Hội Đông y Việt Nam để hỏi rõ về tiêu chuẩn, thủ tục kết nạp hội viên, cấp thẻ hội viên như thế nào?
Chính vì việc cấp thẻ hội viên cho lang Tân làm anh ta nghĩ rằng chỉ cần có thẻ hội viên này là sẽ được phép hoạt động khám chữa bệnh bằng thuốc Đông y.
Và vì đã là thành viên của Hội Đông y Việt Nam nên anh này cho rằng mình không cần tham gia Hội Đông y huyện và thành phố nữa.
Đây là vấn đề rất phức tạp và chúng tôi đang xin ý kiến của cấp trên để tiến hành xử lý. Bởi, Hội Đông y Việt Nam thuộc quản lý của tuyến Trung ương, không thuộc quản lý của cấp địa phương chúng tôi.
Đây là chiêu trò rất quái của thầy lang Văn Đình Tân để qua mặt cơ quan chức năng và lấy sự tín nhiệm của người bệnh.
Chiêu thức hoạt động của “Siêu thầy lang” Văn Đình Tân là phát tán thông tin trên facebook. Vậy các ông có biện pháp gì để quản lý?
Chúng tôi đã nhờ lực lượng công an, quản lý an ninh mạng vào cuộc để quản lý, giám sát hoạt động của thầy lang Văn Đình Tân.
Đồng thời, chúng tôi cũng báo cáo với Chủ tịch UBND huyện Thường Tín để có biện pháp quản lý triệt để, bởi thông tin đăng tải trên mạng xã hội không thuộc chuyên ngành của chúng tôi.
Ngoài ra, chúng tôi có trách nhiệm tham mưu huyện để quản lý trên địa bàn, vì vậy Chủ tịch UBND huyện sẽ có văn bản gửi tất cả các UBND xã, thị trấn trên địa bàn Thường Tín để giám sát hoạt động của anh này.
Khi thấy có hoạt động khám chữa bệnh không phép sẽ thông báo để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Với những lỗi sai phạm của “Siêu thầy lang” Văn Đình Tân sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo Nghị định 176 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thầy lang Văn Đình Tân có thể bị xử phạt về lỗi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Mà theo quy định, lỗi này có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Trường hợp có bệnh nhân khiếu nại về việc chữa bệnh gây hại cho sức khỏe của họ thì mức độ sẽ nghiêm trọng hơn, có thể sẽ phải xử lý về hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.
Kể cả khi bệnh nhân đã ký cam kết về việc tự nguyện chữa bệnh thì khi có hậu quả xảy ra lang Tân vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi việc chữa bệnh khi chưa có phép là sai quy định của pháp luật.
Muốn khám chữa bệnh phải được cấp chứng chỉ, cấp phép theo quy định và phạm vi quy định chuyên môn đến đâu thì chỉ được hoạt động đến đó.
Nếu không nằm trong phạm vi cấp phép thì sẽ vi phạm và phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nhóm PV GIA ĐÌNH MỚIBạn đang xem bài viết ‘Siêu thầy lang’ Văn Đình Tân chưa tốt nghiệp đã được kết nạp hội viên Hội Đông y Việt Nam tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].