Trong thời gian vừa qua, vụ việc hệ thống Siêu thị Con Cưng (concung.com) - chuyên buôn bán các sản phẩm mẹ và bé - bị khách hàng tố cáo gian dối trong kinh doanh đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Vụ việc bắt nguồn từ phát hiện sai phạm nhãn mác sản phẩm của ông Trương Đình Công Vĩnh, cư trú ở Phường 14, Quận Tân Bình, TP. HCM, đã mua 7 sản phẩm ở một cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng.
Ông Vĩnh nghi ngờ bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng bị lỗi do có dấu hiệu bị cắt tem và sửa chữa thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion), ghi xuất xứ từ Thái Lan.
Theo phóng sự của kênh VTV24, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra, rà soát một số cửa hàng thuộc hệ thống Siêu thị Con Cưng, đồng thời phát hiện nghi vấn như việc tem dán trên sản phẩm không rõ xuất xứ, dán chồng tem nhãn của nhãn hiệu khác.
Cụ thể xuất xứ của nhiều sản phẩm ghi “Made in Thailand” nhưng lại không có tem nhãn khác chứng minh nguồn gốc, hoặc trên sản phẩm có in mã vạch của Thái Lan nhưng không hiển thị thông tin khi được kiểm tra.
Trong những ngày tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát các cửa hàng khác thuộc hệ thống siêu thị này. Đáng nói rằng, hiện tại Con Cưng có tới 105 cửa hàng tính trên địa bàn TP. HCM, chứng tỏ lòng tin của khách hàng đối với hệ thống này.
Trước sự phức tạp, quy mô trong vụ việc xảy ra tại Con Cưng, Bộ Công Thương vừa có văn bản 2611 quyết định kiểm tra doanh nghiệp này kể từ tháng 1/2017 đến thời điểm kiểm tra. Như vậy vấn đề đã không dừng ở việc tạm giữ hàng nghìn sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sau 3 ngày kiểm tra đột xuất nêu trên.
Bộ Công Thương giao ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT làm trưởng đoàn kiểm tra, phối hợp cùng Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Chi cục QLTT TPHCM cùng nhiều phòng, ban liên quan sẽ đi kiểm tra toàn bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đối với Con Cưng ở văn phòng, nơi đăng ký kinh doanh cũng như các chi nhánh, cửa hàng, địa điểm kinh doanh.
Siêu thị Con Cưng mới ra đời từ năm 2011, chỉ trong thời gian ngắn đã đạt được tốc độ phát triển đáng chú ý. Tính riêng năm 2017, doanh nghiệp này đã mở thêm 130 siêu thị, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên tới 230, trong đó có 150 chi nhánh ở TP. HCM.
6 tháng cuối năm 2017, doanh nghiệp Con Cưng mở trung bình 15 siêu thị/tháng. Tháng 12/2017, doanh nghiệp này mở liên tiếp tới 40 siêu thị.
Ngày 22/5, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) mua sản phẩm tại một cửa hàng của hệ thống Con Cưng ở TP.HCM, ông phát hiện một sản phẩm có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion). Ông Vĩnh đã khiếu nại với cửa hàng nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Ngày 22/7, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh về việc thương hiệu Con Cưng cắt tem nhãn, gắn "mác ngoại" vào sản phẩm. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhiều cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị này, và phát hiện 3 cửa hàng vi phạm.
Kim OanhBạn đang xem bài viết Shop Con Cưng bị tố gian dối, cắt tem nhãn, dán mác 'ngoại', quản lý thị trường vào cuộc tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].