Việt Nam vẫn đang ghi nhận 1046 bệnh nhân COVID-19, trong đó 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 355 ca nhập cảnh.
Trong số 1046 bệnh nhân, đã chữa khỏi 755 trường hợp, 35 ca tử vong. Hiện cả nước đang điều trị cho 256 bệnh nhân COVID-19.
Vừa qua Cục Hàng không Việt Nam đã trình lên Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phương án mở cửa lại 6 đường bay quốc tế: Việt Nam - Trung Quốc; Nhật Bản; Đài Loan; Hàn Quốc; Lào và Campuchia. Dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần vào khoảng gần 5.000 khách.
Để triển khai kế hoạch khai thác, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.
Bộ GTVT sẽ trình lên Thủ tướng quyết định vấn đề này.
Liên quan tới vấn đề này, chiều 3/9, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định, trước mắt, để mở lại các chuyến bay thương mại thì phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thay đổi chiến lược xét nghiệm.
Các chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.
Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới là phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên tại ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…; góp phần chống dịch hiệu quả.
V.LinhBạn đang xem bài viết Sáng 4/9 không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới, Việt Nam sắp mở lại 6 đường bay quốc tế tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].