Báo Điện tử Gia đình Mới

Sai lầm phổ biến về tiền bạc mà các cặp vợ chồng thường mắc phải

Triệu phú tự thân Ramit Sethi cảnh báo một sai lầm phổ biến mà các cặp vợ chồng thường mắc phải khi quản lý tiền bạc.

Triệu phú Ramit Sethi là chủ sở hữu kênh YouTube "I Will Teach You to be Rich" (Tôi sẽ dạy bạn làm giàu) có hơn 560.000 người theo dõi. Kênh của Sethi chia sẻ các kiến thức tài chính hữu ích, từ việc giải quyết khoản nợ hơn 600.000 USD đến chống chi tiêu quá tay.

Triệu phú tự thân Ramit Sethi.

Triệu phú tự thân Ramit Sethi.

Theo Sethi, có một sai lầm phổ biến mà các cặp vợ chồng thường mắc phải khi quản lý tiền bạc:

"Thông thường, một người sẽ đảm nhận vai trò 'người giữ tiền' trong nhà. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người đó gặp chuyện không may? Thật nguy hiểm khi chỉ một người nắm giữ tất cả kiến thức về tài chính."

Sethi cho biết thêm, nếu một người chịu trách nhiệm đưa ra mọi quyết định về tiền bạc, người kia có thể cảm thấy mất quyền lực trong mối quan hệ. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2024 của Fidelity Investments, khoảng 25% các cặp vợ chồng cảm thấy khó chịu vì không được tham gia quyết định tài chính.

Dưới đây là lời khuyên của Sethi về cách vợ chồng cùng nhau quản lý tiền bạc hiệu quả.

1. Nên làm gì nếu bạn là 'người giữ tiền’ trong nhà?

sai lam ve tien bac 4

Theo triệu phú Sathi, nếu bạn là người quản lý tiền trong nhà, bạn có thể cần phải thay đổi: "Người giữ tiền phải chịu trách nhiệm điều chỉnh lại mối quan hệ một cách nhẹ nhàng".

Cách đơn giản nhất để bắt đầu chia sẻ trách nhiệm tài chính là phân chia một vài danh mục chi tiêu cho mỗi người quản lý.

Ví dụ, người vợ kiểm soát chi phí đi chợ, mua sắm để không vượt quá một số tiền nhất định, còn người chồng có thể phụ trách các khoản bảo hiểm.

Sethi nói: "Những gì bạn cần là phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền sở hữu. Cả vợ và chồng sẽ có động lực hơn khi được sở hữu và đóng góp vào việc quản lý tài chính."

Ngoài ra, nếu bạn là người giữ tiền trong nhà, đừng lạm dụng các thuật ngữ tài chính như "lãi kép" hoặc "tài khoản ưu đãi thuế" mà vợ/chồng bạn có thể không hiểu.

Ông nói: "Rất nhiều trường hợp người còn lại không thực sự hiểu những khái niệm đó. Bạn cần phải tiếp cận vấn đề theo cách phù hợp với đối phương".

2. Làm thế nào để bắt đầu nói chuyện tiền bạc?

sai lam ve tien bac 5

Sethi cho biết việc xem lại các hóa đơn trong nhà có thể không thú vị, nhưng các cặp vợ chồng phải nói chuyện tiền bạc một cách cởi mở để đảm bảo thống nhất các mục tiêu tài chính.

Đầu tiên, có một vài sai lầm phổ biến cần tránh. Thứ nhất, Sethi khuyên không nên chỉ trích, đổ lỗi mọi vấn đề tiền bạc cho một trong hai người, vì điều đó có thể khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm. Những câu nói như: "Em suốt ngày đặt hàng online nên mới nợ thẻ tín dụng nhiều thế này" sẽ không giúp ích gì nhiều.

Thay vì chỉ trích, hãy tập trung tìm cách để vợ chồng cùng giải quyết khoản nợ thẻ tín dụng.

Ông nói: "Quan trọng là phải có một cuộc trò chuyện sâu về tiền bạc. Vợ chồng sẽ phải nói chuyện tiền bạc với nhau cả đời, vì vậy tốt hơn hết là bạn nên tìm cách để làm cho nó thú vị hơn".

Nói chuyện tiền bạc với vợ/chồng không nhất thiết phải là một điều nhàm chán. Thay vào đó, bạn có thể coi đây là cơ hội để tưởng tượng về một tương lai tài chính tốt đẹp hơn.

Sethi nói: "Khi chúng ta nói chuyện tiền bạc trong một mối quan hệ, giả định mặc nhiên là có vấn đề. Nhưng thường thì đó là cơ hội để tạo ra một cuộc sống giàu có, sung túc".

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO