Những đứa con “đói” dinh dưỡng tâm lý
Thạc sĩ Khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, được Hiệp hội ABNLP Hoa Kì cấp bằng Trainer, Master Coach về NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy). Cô đã tổ chức các chương trình đào tạo giúp hàng chục nghìn người chữa lành tổn thương, chuyển hóa tư duy, giúp nhiều gia đình hàn gắn kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Trên hành trình ấy, cô Lanh đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ bị nhận xét là hư đốn, ngỗ ngược. Có em nghiện game, hút thuốc, uống rượu, có em xăm trổ, bấm 8 lỗ tai, thường xuyên bỏ nhà đi chơi... Có những em mà cha mẹ đã nghĩ là “hết thuốc chữa” vì nói gì cũng không nghe, bảo gì cũng không được, “coi như bỏ đi không có đứa con này”…
“Thế nhưng có đồng hành cùng các em mới hiểu, đứa trẻ nào cũng muốn học giỏi, đứa trẻ hư nào cũng muốn trở thành con ngoan. Đặc biệt, không có đứa trẻ nào hư đốn, bướng bỉnh chỉ sau một đêm mà nó là cả một quá trình, khởi nguồn từ chính những sai lầm trong cách nuôi dạy con của cha mẹ”, cô Lanh chia sẻ.
Theo cô Lanh, sai lầm mà rất nhiều cha mẹ mắc phải là khi con có khuyết điểm, học kém… thì mắng mỏ, chì chiết con. Họ không biết rằng, sự chỉ trích có thể giết chết sự tự tin, hủy hoại óc sáng tạo, hạn chế cá tính, khiến một đứa trẻ lớn lên trong tự ti, nhút nhát, không dám đưa ra quyết định, không tin vào chính mình.
“Dinh dưỡng nuôi cơ thể chỉ chiếm 20%, 80% còn lại quyết định một con người là dinh dưỡng tâm lý. Nhưng các bậc cha mẹ đang làm gì với 80% ấy? Họ mắng mỏ, chỉ trích, không cho phép con sai lầm. Họ giết chết sự tự tin, quyết đoán của con nhưng lại luôn mong con thành công – đó là một nghịch lý”, cô Lanh nói.
Con mắc sai lầm thì chỉ trích nhưng khi con có thành tích tốt thì nhiều bậc cha mẹ lại không biết cách ghi nhận con. Có đứa trẻ đi học về khoe rằng: “Mẹ ơi con được 9 điểm” và mẹ lập tức hỏi lại: “Có đứa nào được 10 không?”. Ngay cả khi con được 10 điểm môn Mỹ thuật, mẹ cũng tặc lưỡi: “Tưởng gì, chỉ là môn phụ, không ăn thua”!
Trong khi đó, con khoe thành tựu với cha mẹ tức là con đang muốn được ghi nhận, khen ngợi. Nhưng cha mẹ đã hành xử bằng cách gạt phăng đi nhu cầu của con. Điều này khiến những đứa trẻ cảm thấy giá trị của mình bằng không và chán ghét chính mình. Cảm giác bất cần ấy sẽ dẫn dắt chúng đến những hành vi xấu vì không nhìn thấu được giá trị bản thân.
Cha mẹ là nạn nhân của những nạn nhân
Theo cô Lanh, những sai lầm nuôi dạy con kể trên là sai lầm xuyên thế hệ, cha mẹ cũng chỉ là nạn nhân của những nạn nhân. Cô phân tích: “Hầu hết chúng ta sao chép mô thức nuôi dạy con từ chính cha mẹ mình. Ngày xưa khi làm sai, ta bị cha mẹ mắng mỏ, chỉ trích, thậm chí răn đe bằng đòn roi. Ta cũng chưa bao giờ được cha mẹ ghi nhận hay khen ngợi.
Đó là mô thức nuôi dạy khiến ta bị tổn thương. Những kí ức ấy ăn sâu vào tiềm thức của ta và khi có con, ta lại vô thức dùng chính cách đó để dạy con mình. Ta biết việc chỉ trích con là không tốt nhưng ta vẫn thực hiện. Ta biết đánh con là sai nhưng khi tức giận ta vẫn không kiểm soát được hành vi của mình. Ta gây ra tổn thương sâu sắc bên trong con. Và sau này vòng lặp ấy lại tiếp tục ở thế hệ kế tiếp”.
Trước đây, cô Lanh chú trọng chữa lành cho những đứa trẻ nhưng sau đó cô nhận ra các con giống như cá ở trong bể, còn cha mẹ chính là bể cá. Con cá chỉ sống khỏe mạnh, phát triển tốt khi nước ở bể trong lành. Vì thế, để hiệu quả hơn, hiện nay cô chọn cách chữa lành cho cả các bậc cha mẹ bởi họ cũng đang mang trong mình đầy tổn thương. Khi chữa lành được cảm xúc xấu trong họ, thì chính họ sẽ tự chữa lành cho con của mình.
Bằng việc tổ chức nhiều khóa học về chữa lành, về “cha mẹ thông thái giúp con thành tài”, cô Lanh đã giúp nhiều cha mẹ chuyển hóa chính mình để bước vào thế giới của con. Thay vì chỉ trích, đánh mắng, nhiều người đã có thể bình an giúp con vượt qua sai lầm, biết cách nói lời yêu thương, ghi nhận con, cải thiện tình cảm gia đình. Vị nữ chuyên gia xúc động nói: “Được đồng hành, giúp cha mẹ và các con chữa lành, chuyển hóa, đó là một chặng đường vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc”.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Sai lầm nuôi dạy con 90% cha mẹ Việt mắc phải tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].