Nên rút tỉa chân hương và bao sái ban thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Việc rút tỉa chân hương và bao sái ban thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo có nhiều quan điểm khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới về vấn đề này, phong thủy gia Linh Quang cho biết, theo phong tục người Việt nói chung, hàng năm thường sẽ thực hiện công việc bao sái ban thờ và rút tỉa chân hương vào sớm ngày 23 tháng chạp, nghĩa là sẽ làm vào lúc trước khi cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên nhiều gia đình cúng ông Táo trước ngày 23 thì việc này được thực hiện trước ngày đó.
Thực tế, có nhiều người kiêng kị việc bao sái ban thờ và rút tỉa chân hương, phải chờ đến thời điểm cuối năm mới thực hiện.
Chính sự kiêng kị này mà có những ban thờ để phủ bụi bám dày, chân hương đầy ứ, cao vút che khuất tầm nhìn, trông vào không thấy có chút sinh khí nào.
Theo phong thủy gia Linh Quang, đây là việc tối kị không nên. Bởi ban thờ là nơi linh thiêng, cần phải sạch sẽ thông thoáng khí. Vậy nên, việc lau dọn bàn thờ có thể tiến hành thường xuyên, hàng tuần, hàng tháng, thấy ban thờ có bụi bẩn thì cần dọn dẹp sạch sẽ, không nhất thiết vào đúng ngày ông Công ông Táo.
Việc tỉa chân hương cũng vậy, không cần chờ đến dịp cúng ông Công ông Táo mới làm, mà có thể thực hiện bất cứ lúc nào khi thấy chân hương đủ đầy thì thành tâm khấn vái xin tỉa là được.
Tỉa chân hương khi thấy bát hương đầy sẽ giúp hạn chế hỏa hoạn, bởi khi thắp hương, tàn hương rơi xuống có thể gây cháy bất cứ lúc nào.
Tất cả sự thành tâm thành ý của gia chủ sẽ giúp ban thờ trở nên ấm cúng và có sinh khí hơn.
Rút tỉa chân hương, bao sai ban thờ thế nào cho đúng?
Phong thủy gia Linh Quang hướng dẫn, lúc tỉa chân hương và bao sái ban thờ, gia chủ cần thành tâm chắp tay cúng khấn vái và xin được thực hiện.
Chân hương khi tỉa thì trừ lại 3 hoặc 5, 7, 9 que theo số lẻ. Sau đó, dùng khăn sạch tẩm nước ngũ vị hay rượu gừng để lau bát hương và mặt bụi ban thờ.
Nhiều người khi thực hiện công việc rút tỉa chân hương, bao sái ban thờ lo lắng việc đụng chạm, xê dịch bát hương, không cẩn thận sẽ bị tán tài lộc, ảnh hưởng đến gia đình.
Nói về điều này, chuyên gia phong thủy Linh Quang nêu quan điểm: “Việc đụng chạm và xê dịch bát hương không phải là điều lo lắng vì trước đó gia chủ đã "vái xin" rồi. Vậy nên nếu đụng chạm, làm xê dịch bát hương thì chỉ cần đặt lại đúng y nguyên vị trí cũ là được. Sau khi mọi công việc xong xuôi, gia chủ cầm sắm lễ đĩa quả và thắp hương để xin an vị lại ban thờ”.
Và đã là lễ bái thì cần phải sạch sẽ, không chỉ ban thờ mà cả người. Do đó, trước khi cúng xin bao sái ban thờ, quan niệm của người xưa là phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương vái xin tỉa chân hương và bao sái ban thờ.
An AnBạn đang xem bài viết Rút tỉa chân hương, bao sái ban thờ cuối năm thế nào cho đúng? tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].