Quận Bình Tân đang được xem là “điểm nóng” nhất về tình hình dịch COVID-19 ở TP HCM. Mật độ dân cư, các khu nhà trọ dày đặc khiến khó khăn hơn cho công tác dập dịch.
Gần 7.000 ca nhiễm, mật độ dân cư dày đặc
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết: Dịch bệnh trên địa bàn quận diễn biến hết sức phức tạp, nóng nhất TP HCM. Đến đêm 25/7 đã có 6.728 ca nhiễm bệnh đã được xét nghiệm bằng PCR. Quận đã vận hành 7 khu cách ly các ca bệnh với trên 2.200 giường.
Quận cũng đã phong tỏa 620 điểm với 30.464 hộ dân, tương đương 66.744 người. Cùng với đó đã thành lập 276 tổ tự quản trong các khu phong tỏa để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và xử lý các vấn đề phát sinh.
Cùng với tích cực cách ly, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thì Bình Tân lập 43 chốt chính, 8 chốt lưu động, 38 đội tuần tra, giám sát để chấn chỉnh các vi phạm trong phòng dịch. Đã tiến hành xử phạt 242 trường hợp với số tiền gần 600 triệu đồng.
Toàn bộ hệ thống y tế công lập Bình Tân đã vận hành tối đa. Cùng với đó đã kêu gọi chi viện từ nhiều đoàn cán bộ, nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với mức độ lây lan dịch bệnh. Có nhiều điểm cách ly tạm thời của Bình Tân chỉ có 2-3 nhân viên y tế phục vụ 2-300 người đã được test nhanh dương tính với COVID-19.
Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy Bình Tân chia sẻ: Cả hệ thống chính trị cũng như cá nhân tôi cũng đang tích cực vận động đông đảo các lực lượng tham gia chống dịch. Một số doanh nghiệp, bệnh viện cũng đã nhận lời giúp quận trong giai đoạn cam go này. Huy động đến đâu là bố trí, sắp xếp các công việc phù hợp ngay đến đó.
Tại hầu hết các phường của Bình Tân đều có ca nhiễm COVID-19. Kiểm tra trực tiếp tại các khu trọ đang bị phong tỏa, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, việc kiểm soát các khu trọ rất nan giải. Rất cần người dân, lao động thấu hiểu, chia sẻ, chung sức chống dịch.
Dân số Bình Tân có 740 nghìn người thì có đến 236 nghìn công nhân, lao động tại các khu nhà trọ, diện tích nhỏ, hẹp. Có nhà trọ chen kín hàng trăm người.
Cùng với đó, Bình Tân còn có hơn 3.000 người buôn bán tự do, bán hàng rong. Đây chính là một trong những mối nguy cơ dịch bùng phát mạnh.
Giải pháp trước mắt của Bình Tân đưa ra là truyền thông trên mọi phương tiện như: Zalo, Facebook, loa phát thanh. Đồng thời với đó lắp camera giám sát các khu trọ. Truy quét các ca bệnh thông qua xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm.
Cần sớm có bệnh viện dã chiến cho Bình Tân
Đang trực tiếp điều hành tổ y tế gồm 3 người quản lý khu cách ly tập trung tạm thời ở Trường tiểu học Bình Trị 1 (Bình Tân), BS Lữ Trọng Nghĩa (Trung tâm y tế Bình Tân) cho biết: Tại khu này đang cách ly có gần 300 người có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19. Trong đó, người có bệnh nền, cao tuổi cũng nhiều. Người nào có triệu chứng, chuyển nặng thì chuyển vào viện.
BS Nghĩa mong muốn các đơn vị y tế ngoài công lập, các phòng khám tư nhân cùng chung tay chống dịch.
Tổ công tác Bộ Y tế tại Bình Tân cũng cho biết: Tổ công tác đã hướng dẫn Ban quản lý các khu cách ly tập trung của quận và các cán bộ trực tiếp tại khu cách ly tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng. Lập kế hoạch xét nghiệm cho các đối tượng tại khu cách ly theo quy định mới của UBND TP. Hỗ trợ Ban chỉ đạo quận xây dựng cơ chế điều phối giữa các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn. Hướng dẫn các trạm y tế phường về cách ly tại nhà các trường hợp nhiễm bệnh có đủ điều kiện về kết quả xét nghiệm….
Quận Bình Tân cũng mong lãnh đạo TP.HCM sớm thành lập Bệnh viện dã chiến có quy mô 500 đến 1.000 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Tân. Cùng với đó, sớm bố trí tiêm vắc xin cho công nhân, lao động trong các khu trọ.
Nhiều công ty đã dừng hoạt động nên Bình Tân mong muốn các tỉnh, TPi hợp, hỗ trợ đưa công dân của các tỉnh, TP đang ở trọ ở Bình Tân về.
V.LinhBạn đang xem bài viết Quận có ổ dịch COVID-19 nóng nhất TP.HCM: Gần 7.000 người nhiễm, phong tỏa 66.000 dân tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].