Nửa đời còn lại, chúng ta cần phải biết yêu bản thân mình nhiều hơn một chút, nghĩ thoáng một chút và quan trọng là hãy chăm sóc, nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, một trái tim trầm tĩnh và bao dung. Đây sẽ là cách sống tốt nhất cho nửa quãng đời còn lại của cuộc đời.
Học cách cúi mình
Bất đồng với bạn bè, bực mình với con cái... những điều này không phải là vấn đề to tát. Thay vì hét toáng lên bạn cần bình tĩnh, tập trung suy nghĩ, đôi khi là chấp nhận buông bỏ. Hãy nhớ rằng, trong một số trường hợp, bạn cần phải là người xuống nước, 1 cái cúi người nói lời xin lỗi thì đâu có sao.
Hãy tập trung làm một việc gì đó, lao động là khi bạn giúp tâm trạng và suy nghĩ lắng xuống hiệu quả nhất.
Học cách bình thản
Sẽ đến một lúc nào đó con người, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.
Học cách trầm tĩnh
Rồi tới một thời điểm, bạn chọn cách im lặng khi bị người khác hiểu lầm. Bạn chẳng còn muốn tranh luận, phân trần nữa. Bạn từng trải để hiểu rằng, trong cuộc sống này có rất nhiều chuyện đúng sai khó nói rõ ràng. Thậm chí có những chuyện căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai.
Vì thế, nếu thấy mọi chuyện đã đi quá xa bạn nên dừng lại. Nếu đã chẳng muốn nói thì đừng nói bởi nhiều khi có nói cũng vô ích. Cuộc sống mà, im lặng đôi khi lại chính là lời giải thích tốt nhất.
Không ngừng học tập
Thư pháp hội họa, cờ tướng, yoga, ca hát khiêu vũ, đọc sách xem báo, … đều là một trong những thứ chúng ta nên tiếp tục học.
Đừng quên mang theo 1 chiếc máy nghe nhạc dù là ở nhà hay ra ngoài tập thể dục. Vừa làm việc, vừa nghe nhạc sẽ giúp tâm bạn thoải mái, dễ chịu hơn nhiều.
Đừng cảm thấy hối hận
Trong cuộc sống này sẽ chẳng có cơ hội nào lặp lại, vì thế nếu đã lựa chọn rồi thì đừng hối hận. Trải qua nửa đời người rồi, đừng bao giờ nói câu giá như. Bởi lẽ, cuộc sống chính là một con đường dài với muôn vàn ngã rẽ, ta luôn phải chọn lựa ngã rẽ phù hợp với mình nhất.
Mỗi điều mà bạn chọn lựa thực ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, hãy nhớ rằng cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta. Đã trải qua rồi đừng bao giờ cảm thấy hối hận.
Biết lúc nào nên buông thả bản thân
Đừng sống quá khuôn phép, đôi khi hãy để bản thân được ăn những món mình thích, làm việc mình yêu. Đừng quá gò ép bản thân, hãy để mọi chuyện tự nhiên, càng thuận theo tự nhiên thì càng gần gũi, bình dị.
Hãy ngờ nghệch một chút
Nửa đời về sau bạn cần nhớ, chuyện cần hờ hững thì nên hờ hững, điều gì không làm rõ được thì hãy cho qua, người nào chỉ cần lướt qua thì cứ lướt qua.
Đừng tính toán, suy nghĩ quá nhiều. Việc bạn chỉ biết khôn khéo mà quên mất cách ngờ nghệch, vụng về sẽ chỉ khiến cuộc sống thêm nặng nề, phiền não mà thôi.
Giữ gìn sự đơn thuần
Người ta thường nói, đơn thuần thật ra chính là một ơn huệ mà trời cao ban cho con người. Đơn thuần ở cuộc sống hiện tại sẽ khiến bạn vui vẻ và hạnh phúc.
Thật ra càng suy nghĩ nhiều càng khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi, phức tạp.
Hãy luôn ăn mặc đẹp
Tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa, bởi yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời,. Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!
Luôn chúc phúc cho người khác
Quy luật đối nhân xử thế là vậy, chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc.
Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui. Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất.
Thanh TâmBạn đang xem bài viết Phụ nữ à, nửa đời còn lại hãy học cách chấp nhận buông bỏ và sống bình thản tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].