Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ nhỏ xảy ngay trong chính những ngôi nhà khiến nhiều người lo lắng.
Đặc biệt, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tuần tại Hà Nội xảy ra hai vụ bé trai bị bạo hành ngay trong gia đình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia những vụ việc trong thời gian qua được báo chí phát hiện, người dân biết đến thì đó mới chỉ là một phần, còn rất nhiều hành vi bạo lực trẻ em khác vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong các gia đình, trường học.
Hơn thế nữa, theo lý giải của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội: ‘Các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em phần lớn do những người chăm sóc trẻ gây ra nên sự việc có thể xảy ra phía trong mỗi căn nhà, phía sau mỗi cánh cửa ngôi nhà nên việc phát hiện, can thiệp là một câu chuyện không đơn giản’.
Bàn luận về vấn đề này, Th.S, BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho hay: ‘Theo số liệu thống kê của quốc tế đã đưa ra rằng, có tới 93% các trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại là do những người thân cận, gần gũi với trẻ.
Còn tại Việt Nam, gần đây thường xuyên phát hiện những vụ bạo hành trẻ nhỏ xảy ra ngay tại trong gia đình. Và qua nghiên cứu của tôi hầu hết những em bé bị đánh trong gia đình là ở những gia đình khiếm khuyết, hoặc là có nguy cơ ly hôn, ly thân.
Do vậy, việc cần làm cấp bách hiện nay là cần tăng cường giáo dục gia đình cho các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó cần tập trung việc phòng ngừa, tư vấn cho những gia đình khiếm khuyết hoặc có nguy cơ khiếm khuyết để có thể bảo vệ trẻ ngay trong chính gia đình’.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn tại nước ta, đó là vấn đề giáo dục gia đình dường như chưa được coi trọng.
‘Ở nước ta chưa coi trọng vấn đề giáo dục gia đình, cha mẹ không hề có kỹ năng, không hề có kiến thức, không hề có suy nghĩ là phải bảo vệ con mình như thế nào cả.
Chúng ta đang thiếu hệ thống bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, thiếu những cán bộ xã hội, đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở tại cộng đồng là những người có thể nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình thì họ có thể hỗ trợ, tư vấn phòng ngừa sớm các nguy cơ bạo hành trẻ.
Theo Luật trẻ em 2016 quy định rõ trong việc bảo về trẻ em với 3 cấp độ, cấp độ quan trọng nhất là phòng ngừa nhưng chúng ta chưa làm được việc đó’, bác sĩ An nhấn mạnh.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lựa gia đình đang diễn ra như hiện nay, bác sĩ An cho rằng: ‘Ngoài việc tập trung giáo dục gia đình thì cần đẩy mạnh giáo dục nhà trường.
Các thầy cô giáo phải có giáo trình, thời gian quan tâm, giáo dục trẻ về đạo đức, tư cách. Đặc biệt là nên dạy cho các em những kỹ năng phòng tránh từ phòng tránh bạo lực đến phòng tránh xâm hại…
Thứ nữa là giáo dục xã hội, tất cả các loại game online, internet phải quản lý chặt chẽ và cần quản lý chặt chẽ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá….
Và cuối cùng, với những trường hợp bạo hành trẻ nhỏ phải có những hình phạt mang tính chất răn đe, phải có sự lao động công ích, phải có phương pháp kỷ luật theo hướng giáo dục tích cực, để những người có hành vi bạo hành trẻ nhận ra được cái sai của mình, thay đổi và trở thành người tốt hơn’.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Phần lớn những vụ bạo hành trẻ trong gia đình đều ở gia đình khiếm khuyết, ly hôn, ly thân tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].