Báo Điện tử Gia đình Mới

Phản biện xã hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới

Chiều 17/10, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dưới góc nhìn bình đẳng giới.

Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dưới góc nhìn bình đẳng giới do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 17/10, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những hệ thống ưu việt trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, hạn chế chính của chế độ thai sản ở nước ta là diện bao phủ thấp. Chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, chiếm khoảng trên 30% lực lượng lao động.

Ngoài ra, Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trợ cấp tiền mặt một lần là 2 triệu đồng cho phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số và tuân thủ chính sách dân số; Thông tư 15/2022/TT-BTC hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số là 3 triệu đồng/bà mẹ. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.

Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga.

Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga.

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con tham gia BHXH tự nguyện. Khoản trợ cấp thai sản này sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đây là một chính sách vô cùng nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện trong thụ hưởng BHXH của lao động nữ.

“Tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn đại biểu thảo luận về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã phù hợp chưa, có cần bổ sung thêm các quyền lợi khác cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện không? Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về các quy định liên quan đến chế độ thai sản trong BHXH buộc đã đầy đủ chưa, đã đảm bảo quyền và cơ hội thụ hưởng chính sách thai sản của lao động nam và lao động nữ hay chưa?”, bà Nga cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã có những tiếp thu, sửa đổi dự thảo Luật thời gian qua. Đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể tính tương thích với các luật khác như Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi; phù hợp với các công ước Quốc tế...

Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị.

Đặc biệt là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể từng chính sách, đảm bảo lồng ghép giới trong từng chính sách cụ thể; đánh giá sâu sắc hơn nữa các chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù như bổ sung chế độ thai sản với BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ 2 triệu đồng theo nghị quyết 29 có còn đáp ứng yêu cầu? Đồng thời nghiên cứu kỹ, sâu sắc hơn nữa vấn đề phụ nữ rút BHXH một lần cao hơn nam giới, để có những quy định phù hợp...

Tại Hội thảo, đại diện của Alive & Thrive - Dự án tăng cường các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện thực hành cho ăn bổ sung, là đơn vị tham gia đóng góp sửa đổi Luật cho biết, tại Việt Nam, cứ 2 trẻ sinh ra thì 1 trẻ có mẹ chưa được hưởng chế độ thai sản, do 64% lao động nữ hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức chưa là đối tượng của chính sách này.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã có điểm mới bổ sung chế độ thai sản cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, với mức hưởng trợ cấp thai sản một lần là 2 triệu đồng/trẻ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước.

Với chính sách này, Alive & Thrive ước tính mỗi năm vẫn còn tới 769.972 trẻ sinh ra mà bố mẹ không có trợ cấp để đảm bảo về thu nhập và không bị rơi vào cảnh nghèo đói.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ 2 triệu/trẻ là không đủ hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, Alive & Thrive khuyến nghị, mức trợ cấp một lần nên đạt ít nhất 3,6 triệu/trẻ và lý tưởng là 7 triệu/trẻ tương đương mức Trung Quốc, Philippines đang áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về giới cũng cho biết, Dự thảo cần làm rõ căn cứ đưa ra mức 2 triệu đồng/một con mới sinh. Việc quy định một mức hưởng cố định trong khi đóng góp lại dựa trên mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo chỉ số giá sinh hoạt, xét về mặt kinh tế, người tham gia không nhìn thấy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có thêm chế độ thai sản vì giả định mức lương tối thiểu vùng thấp nhất do Chính phủ quy định là 3 triệu đồng/tháng vào thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.

Bà Hồng cũng kiến nghị, Dự thảo cũng chưa làm rõ trong trường hợp sinh đôi trở lên có được trợ cấp theo số con được sinh ra hay không?

Đồng thời nên tham khảo Điều 44 Thông tư số 15/2022/TT-BTC về các chế độ hỗ trợ đối với các bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi thuộc các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù để thiết kế chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện.

Những đóng góp ý kiến tại hội thảo đã được đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp thu để báo cáo ban soạn thảo xem xét, làm căn cứ để hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO