Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Theo đó, 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng được đề xuất như sau:
- Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm:
+ Mức lương
+ Phụ cấp lương
+ Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.
- Phương án 2: Tăng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao hơn
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm:
+ Mức lương
+ Phụ cấp lương
+ Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi còn đưa ra mức lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất trong doanh nghiệp là 2 triệu và cao nhất 36 triệu đồng. Chính phủ điều chỉnh mức này dựa trên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế; đồng thời quy định việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng tham gia bảo hiểm xã hội của lao động và chủ doanh nghiệp.
An AnBạn đang xem bài viết Đề xuất tăng tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].