Khi tham gia chiến dịch cộng đồng “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”, ông không chỉ mang đến những lời động viên mà còn chia sẻ những suy ngẫm sâu sắc về tri thức, văn hóa đọc và sự cần thiết của sách đối với đời sống nông thôn. Với ông, làm giàu cho nông dân không chỉ làm giàu về kinh tế, mà còn là tâm hồn.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông để hiểu hơn quan điểm về khát vọng thay đổi vì một một đời sống nông dân phong phú cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu
Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi tham gia chiến dịch “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Tôi rất ấn tượng với dự án “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”. Trước nay, tôi đã thấy nhiều mô hình mang sách về nông thôn do các trí thức và những người con quê hương khởi xướng, họ về quê trao tặng sách, xây dựng tủ sách cộng đồng… Nhưng điều khiến tôi đặc biệt quan tâm ở chiến dịch này là sự tập trung vào một chủ đề rất cụ thể là sách làm giàu cho nông dân.
Tuy nhiên, tôi cho rằng 1 triệu cuốn sách ấy, “làm giàu” không chỉ là làm giàu về kinh tế mà quan trọng hơn, đó còn là sự làm giàu về tâm hồn. Những cuốn sách đến tay người nông dân cần giúp họ hiểu thêm về hệ sinh thái nơi mình sống, biết cách ứng xử với tự nhiên và môi trường để từ đó, hướng đến một sự phát triển bền vững.
Phóng viên: Với góc nhìn của một người từng làm báo, viết văn và sống gắn bó với nông thôn, ông nghĩ gì về vị trí của người nông dân trong đời sống hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Có thể chúng ta chưa để ý, nhưng đến 70% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn. Người nông dân không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực mà còn là bạn đọc lớn nhất của văn học Việt Nam. Đa số nhà văn Việt Nam cũng xuất thân từ nông thôn nên nông thôn hay nông dân luôn là mối quan tâm lớn.
Trong nhiều thập kỷ qua, văn học Việt Nam đã có nhiều thành tựu khi viết về người nông dân, phản ánh đời sống, khát vọng và cả sự thay đổi của họ trong thời đại mới.
Nông dân hiện nay không còn là người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước kia nữa. Họ đã bước vào thời đại số, sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận công nghệ, mạng xã hội và các nền tảng học tập hiện đại.
Bây giờ, họ có kiến thức, vì vậy, cách tiếp cận họ cũng cần thay đổi, không chỉ là chia sẻ sách kỹ năng, mà còn là truyền cảm hứng, xây dựng văn hóa và định hướng cuộc sống nhân văn hơn.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về những tác phẩm mà ông đã viết hướng đến người nông dân và nông thôn không?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Tôi có cuốn sách “Chân mây”, trong đó tôi có viết về nông thôn, tuổi thơ, thiên nhiên, dòng sông, cây cỏ… Tôi viết ngắn gọn, súc tích. Tôi tin rằng khi người nông dân đọc những điều đó, họ sẽ thấy chính mình trong trang sách, thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa và từ đó có thêm cảm hứng để sống tốt hơn.
Tôi có viết nhiều về nông thôn, đó là mạch nguồn không bao giờ cạn trong thơ ca của tôi. Nhiều bài thơ của tôi đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Đó là những bài viết về làng quê, về mùa màng, về thiên nhiên và con người…
Tôi luôn tin rằng, nếu một người trẻ yêu quê hương, yêu mảnh đất nơi mình sinh ra thì tình yêu ấy sẽ giúp họ cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn, từ đó sống tử tế và có trách nhiệm hơn.
Phóng viên: Theo ông, điều gì là cốt lõi nhất để giúp người nông dân “làm giàu bền vững”? Vì sao người nông dân hiện đại vẫn cần đến sách, khi mạng xã hội và các nền tảng số đã trở nên phổ biến?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Làm giàu bền vững là khi người nông dân không chỉ giỏi làm ăn mà còn biết giữ gìn môi trường, ứng xử hài hòa với thiên nhiên và sống tử tế với nhau. Phát triển kinh tế phải song hành với phát triển văn hóa.
Đời sống kinh tế của người dân nông thôn ngày nay đã được nâng cao rất nhiều. Khi cái bụng đã no, thì nhu cầu tiếp theo là nhu cầu về đời sống tinh thần, văn hóa. Mạng xã hội có ưu điểm là cập nhật nhanh, thông tin phong phú, nhưng mọi thứ trôi rất nhanh, khó đọng lại điều gì sâu sắc.
Trong khi đó, sách là nơi lưu giữ những giá trị bền vững. Khi người nông dân muốn đi sâu vào một vấn đề, cần suy ngẫm, cần chiêm nghiệm để hiểu đời, hiểu nghề, hiểu người thì họ vẫn sẽ tìm đến sách. Những cuốn sách thiết thực, gần gũi, mang lại cảm xúc và tri thức sẽ là người bạn đồng hành đáng quý với họ.
Phóng viên: Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất khiến sách chưa đến gần hơn với người nông dân?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Người ta thường cho rằng rào cản lớn nhất là thời gian vì nông dân bận rộn, không có thời gian đọc sách. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, sách có thực sự đánh trúng nhu cầu của họ hay không. Nếu cuốn sách thật sự thiết thực, chạm tới vấn đề mà người nông dân đang cần, họ sẽ tự biết sắp xếp thời gian để đọc.
Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm hiểu đúng nhu cầu ấy, kết nối với đời sống thực tế của họ. Khi sách đáp ứng được nhu cầu, nó sẽ trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người nông dân.
Phóng viên: Trong bối cảnh mới, thầy hình dung hình ảnh người nông dân tương lai như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Người nông dân ngày nay đã khác trước rất nhiều. Họ không đơn thuần chỉ là lao động chân tay mà dần trở thành những người lao động thông minh. Họ không cần trở thành trí thức, nhưng họ sẽ biết cách ứng dụng tri thức vào sản xuất và đời sống. Đó là tri thức về môi trường, khoa học nông nghiệp, thị trường và cả cách ứng xử trong xã hội.
Khi tiếp cận được với tri thức, người nông dân có thể “thâu tóm” được vốn hiểu biết của giới trí thức để phục vụ cho chính họ một cuộc sống tốt đẹp, chủ động và bền vững hơn.
Phóng viên: Ông có một lời khuyên nào dành cho người lao động nông thôn hiện nay thông qua chiến dịch “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam”?
PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, nếu chúng ta không có kiến thức, chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề. Nhất là khi nông nghiệp Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên toàn cầu hóa, người nông dân càng cần tri thức để phát triển bền vững.
Vì vậy, tôi mong rằng những người lao động ở nông thôn hãy chủ động đến với sách. Những cuốn sách hay, thiết thực sẽ giúp cuộc đời của họ thay đổi không chỉ giàu hơn, mà còn sâu sắc và đẹp đẽ hơn.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu!
Dự án “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam” do Tập đoàn Truyền thông Halotimes tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu lan tỏa tri thức, nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho người nông dân.
Dự án “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam” hướng đến việc triển khai trên phạm vi toàn quốc, điểm khởi đầu dự kiến tại phường Hải Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình đặt mục tiêu trao tặng một triệu cuốn sách với chủ đề đa dạng, từ kinh doanh, thương mại điện tử, kỹ năng phát triển bản thân, trí tuệ nhân tạo và khởi nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận những kiến thức thiết thực và có giá trị ứng dụng cao.
Liễu MộcBạn đang xem bài viết PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: “Làm giàu cho nông dân không chỉ là kinh tế, mà còn là tâm hồn” tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
