Bà L.T.L. (78 tuổi, ở Quảng Ninh) bị nuốt nghẹn, ăn uống kém khoảng 10 ngày. Người nhà đưa cụ vào BV Bãi Cháy thăm khám. Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả chụp CT ổ bụng có hình ảnh một phần dạ dày nằm phía trên cơ hoành.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân L. bị bệnh lý thoát vị hoành trượt và chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị cho người bệnh.
Trong quá trình tiến hành phẫu thuật nội soi, các bác sĩ kiểm tra ổ bụng có thấy một phần đáy vị, tâm vị dạ dày thoát vị qua khe thực quản lên lồng ngực.
Phẫu thuật viên đã nội soi đưa khối thoát vị từ ngực trở về ổ bụng, khâu khép lỗ thực quản, làm hẹp khe hoành và tăng sức chống chịu của khe hoành, tạo hình tâm vị chống trào ngược. Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và được xuất viện.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, BV Bãi Cháy, thoát vị hoành nếu không phẫu thuật điều trị sớm, các tạng trong ổ bụng có thể chèn ép tim, phổi, gây ảnh hưởng đến hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh.
Thoát vị hoành là gì?
Thoát vị hoành là tình trạng các tạng trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực. Cơ hoành là lớp cơ mỏng, ngăn cách hai phần ngực và bụng. Thoát vị hoành xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, đại tràng, ruột non… chui lên lồng ngực.
Thoát vị khe hoành được chia thành 4 dạng, bao gồm: dạng I (dạng trượt là dạng vùng nối của dạ dày thực quản chui lên khỏi lỗ khe hoành thực quản), dạng II (dạng cạnh bên, dạ dày chui ra ở một bên của thực quản, vùng nối dạ dày thực quản vẫn nằm dưới), dạng III (là sự kết hợp của dạng I và II), dạng IV (lỗ thoát vị lớn, ngoài dạ dày thì các tạng khác như đại tràng, lách, tụy, ruột non cũng có thể chui lên lồng ngực).
Dạng II, III, IV là những biến thể của dạng II, chiếm 5-15% trường hợp thoát vị khe hoành. Tình trạng này tuy ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng nếu dạ dày bị gập góc. Thoát vị cạnh thực quản có thể gây chảy máu dạ dày hoặc khó thở.
Nguyên nhân và triệu chứng của thoát vị hoành
Thoát vị hoành có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già. Nguyên nhân có thể do tổn thương cơ hoành do chấn thương, thoát vị bẩm sinh, tăng áp lực ổ bụng đột ngột như khi ho, hắt hơi, nôn mửa, rặn khi táo bón, trong khi nâng vật nặng…
Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nuốt nghẹn, nóng rát sau xương ức, trớ đồ ăn hay dịch lên miệng, đau bụng hoặc đau ngực, khó nuốt, ăn mau no, buồn nôn, khó thở, nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen, ho không giải thích được…
Những triệu chứng của thoát vị hoành rất dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh như viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực. Do vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ thoát vị hoành, người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cũng sẽ giúp người dân sớm phát hiện các bệnh lý bất thường như thoát vị hoành để kịp thời xử trí, tránh biến chứng nguy hiểm.
An AnBạn đang xem bài viết Nuốt nghẹn, ăn uống kém, cụ bà đi khám phát hiện dạ dày ‘chui’ lên ngực tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].