TS Nguyễn Mạnh Hùng, chủ Thái Hà Books- công ty sách bản quyền đầu tiên tại Việt Nam. Ông thông thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, và là tác giả của 13 đầu sách như: Bài học từ người quét rác, Tâm từ tâm, Nhà máy sản xuất niềm vui, Hạnh phúc thật đơn giản...
Ông được biết đến là người có ảnh hưởng, gợi cảm hứng cho lối sống tích cực, lành mạnh, tìm kiếm sức mạnh bên trong mỗi người để tạo ra hạnh phúc đích thực.
Gia Đình Mới đăng tải bài viết về vấn đề môi trường trong một chuyến đi đặc biệt của ông.
Câu chuyện của rác và túi ni lông
"Chúng tôi đến những cánh đồng để quan sát. Mà kết quả là rác nhiều vô cùng. Rác ở đây là túi ni lông, vỏ gói thuốc và vỏ chai lọ đựng thuốc trừ sâu. Tại rất nhiều nơi, hai bên đường và cả dưới kênh, mương, bờ ruộng là vô vàn bịch ni nông đựng rác (không rõ bên trong là loại rác nào).
Chúng tôi thật sự bất ngờ về túi ni lông bay khắp nơi, bên bờ ruộng, bên đường làng. Nhiều kênh, mương, sông nhỏ ở một số vùng quê này cũng đã bị ô nhiễm, không thể tắm được như hồi chúng tôi còn nhỏ. Giật mình đau xót.
Chúng tôi cũng đến thăm gần 50 gia đình tại Hà Nội và TP HCM để quan sát về túi ni lông. Hầu như gia đình nào cũng đang có ít nhất chục chiếc túi ni lông, có nhà đến gần 100 cái.
Đây là túi ni lông đựng đồ mua từ siêu thị và chợ về. Khi được hỏi sẽ làm gì với các túi ni lông này thì có 2 trả lời là để đựng rác mang đi vứt và cho luôn vào thùng rác. Xin khẳng định rằng tất cả các túi ni lông này là không tự tiêu hủy. Giật mình lo lắng.
Cũng tại các gia đình chúng tôi đến thăm có vô số các vỏ chai, lọ, hộp sữa, hộp bánh, túi kẹo… mà hầu hết được nhét chung vào các túi rác mang đi bỏ chứ không hề phân loại rác. Chỉ có 7/48 gia đình phân loại rác trước khi mang đến bãi rác hoặc xe rác. Giật mình hững hờ.
Chúng tôi có trên tay cuốn sách “Zero waste home” của tác giả Bea Johnson và 2 dịch giả Đoàn Thơm và Trường Huy vừa mới dịch xong. Sách dự kiến có tên tiếng việt là “Nhà không rác”. Xin cả nhà đọc môt đoạn nhé.
Môi trường, kinh tế và sức khỏe của chúng ta đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, tình hình kinh tế không ngừng biến động, nền sức khỏe toàn dân đang trên đà tuột dốc, mức sống con người ở mức thấp kỷ lục. Một cá nhân có thể làm gì để đối mặt với những vấn đề khốc liệt ấy?
Choáng ngợp vì biểu đồ đi xuống của sức khoẻ
Những thực tế choáng ngợp đó chỉ nghe thôi đã khiến người ta tê dại, nhưng xin hãy nhớ rằng mỗi hành động của một cá nhân đều can hệ đến môi trường và sự đổi thay không đâu khác chính từ đôi bàn tay ta.
Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt nhưng chúng ta chỉ chăm chăm mua các sản phẩm từ dầu mỏ. Nền kinh tế yếu kém, chúng ta chỉ sính đồ ngoại.
Sức khỏe toàn dân xuống dốc, con người chỉ nạp vào cơ thể những thực phẩm chế biến sẵn và mang về nhà những sản phẩm độc hại. Việc tiêu thụ bất kì thứ gì sẽ đều trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế và sức khỏe vì trên thực tế bạn đang ủng hộ một hình thức sản xuất nào đó và gửi đi thông điệp về nhu cầu để kích thích nguồn cung.
Nói cách khác, mua sắm là một dạng biểu quyết và những quyết định chúng ta thực hiện mỗi ngày đều có tác động nhất định.
Ta có thể lựa chọn, hoặc làm tổn thương hoặc chữa lành xã hội. Nhiều người trong chúng ta không nhất thiết phải bị thuyết phục mới bắt đầu sống thân thiện với môi trường.
Tôi tin ai nấy đều từng mong mỏi và tìm mọi cách để đơn giản hóa các giải pháp mà không chỉ dừng lại ở tái chế… Lối sống Không Rác sẽ tiếp thêm sức mạnh và rèn giũa bạn khi bạn phải đối mặt với những thử thách trên cuộc hành trình.
Chúng tôi cầm sách, cả bản tiếng Anh và bản vừa mới dịch đến gặp một số bạn bè, trong đó có giáo viên, kỹ sư, doanh nhân, chính trị gia, bác sỹ, sỹ quan công an và quân đội. Ai cũng giật mình.
Quy trình cho lối sống không rác
Zero Waste Home - Nhà Không Rác thực sự tiếp động lực giúp bạn, giúp tôi, giúp tất cả chúng ta giải tán bớt đồ đạc và tái chế ít hơn, không chỉ góp phần xây dựng một môi trường xanh sạch đẹp hơn mà còn giúp bạn hoàn thiện bản thân.
Tôi đọc cho mọi người nghe về những giải pháp thực tiễn đã được kiểm chứng giúp chính chúng ta sống lành mạnh và phong phú hơn bằng các tài nguyên không sinh rác thải vốn sẵn có.
Đây nhé. Quy trình thực hiện chỉ đơn giản theo thứ tự: Refuse (từ chối những gì chúng ta không cần), Reduce (tiết giảm những gì chúng ta cần), Reuse (tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ), Recycle (tái chế những gì chúng ta không thể từ chối, không thể tiết giảm, hoặc không thể tái sử dụng) và Rot (ủ phân những gì còn lại).
Chúng tôi không có tham vọng làm sạch rác ở đất nước ta với gần 100 triệu dân. Nhưng ít nhất muốn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho bạn và cho tất cả về tương lai sống với rác và trong rác của chính chúng ta và con cháu chúng ta. Chúng tôi muốn gia đình bạn và thêm nhiều gia đình nữa đọc và thực hành lối sống NHÀ KHÔNG RÁC.
Quả thật là sẽ rất rất khó có thể đạt tới mục tiêu tuyệt đối không có rác thải. Thực tiễn sản xuất ngày nay cho thấy đó là điều không tưởng. Nhất là ở Việt Nam ta khi văn hóa tiêu thụ đang rất mạnh, khi tất cả đang cổ vũ cho tiêu thụ hàng hóa, cho kiếm tiền.
Không rác thải là một mục tiêu lý tưởng, một điểm tựa để bẩy ta gần hơn tới đích. Không phải mọi độc giả đều có thể thực hiện tất cả những gì đề cập trong cuốn sách hay giảm lượng chất thải hằng năm tới kích thước bình một lít như những nỗ lực của chúng tôi…
Tác giả cuốn sách cũng như chúng ta đều hiểu rằng sự khác biệt về địa lý và dân cư sẽ quyết định khoảng cách chặng đường tới đích đến không rác thải. Tạo ra bao nhiêu rác không thực sự quan trọng, quan trọng là chúng ta hiểu được tác động tiêu dùng của mỗi cá nhân tới môi trường và bắt tay vào hành động.
Mọi người đều sẽ quen với những thay đổi có thể xảy ra trong cuộc sống của họ, và mọi thay đổi dù nhỏ nhưng bền vững cũng đều có tác động tích cực đến hành tinh và xã hội loài người.
Chúng tôi nhớ đến những chuyến đi Nhật, nơi mà hầu như không nhìn thấy rác ở đâu. Chúng tôi mê cách phân loại rác của người Nhật. Rác không chỉ được phân thành 4 loại khác nhau mà tất cả các chai lọ đều phải được người sử dụng bóc hết giấy dán ra, để riêng. Các chai lọ phải được rửa sạch trước khi mang ra cho vào thùng rác. Và bao thực tế chúng tôi đã chứng kiến trong các chuyến đi Nhật mà tôi rất rất muốn chúng ta học theo. Sớm ngày nào hay ngày đó.
Bạn thân mến, “Hạn chế rác thải”, “phân loại rác”, “sống xanh”, “phát triển bền vững”… là những cụm từ không còn xa lạ với bạn và tất cả chúng ta nhưng “nghe quen tai” và “áp dụng thành lối sống” lại cách nhau xa vợi diệu.
Bạn có thể dựng tóc gáy khi xem chương trình về Đảo Rác Thái Bình Dương, có thể xót xa khi đọc tin về hiện tượng cá chết hàng loạt vì ô nhiễm biển, nóng ruột khi láng máng nghe đâu đó tài nguyên thiên nhiên của chúng ta đang cạn kiệt với tốc độ chóng mặt… Thế rồi chương trình cũng hết, tin đọc cũng xong, bạn lại bị cuốn vào nhịp sống cuống cuồng hằng ngày và tạm quên đi cảm giác sợ hãi vừa ập đến. Mọi chuyện trở lại như cũ.
Cũng có thể bạn giật mình và chợt thấy cần thay đổi cách sống, cần góp phần chung tay cứu lấy hành tinh này và chính bản thân mình cùng những người thân yêu. Nhưng bạn không biết bắt đầu từ đâu giữa biển thông tin tràn ngập. Bạn cảm thấy lạc lối, bất lực, và tiếp tục nếp sống cũ với cảm giác day dứt không nguôi.
Nhà không rác: Chúng ta sẽ được gì?
Đó là lúc bạn cần đến Zero Waste Home: Nhà Không Rác. Không đao to búa lớn, không đi sâu vào những vấn đề vĩ mô, những nhức nhối chưa có giải pháp triệt để, tác giả Bea Johnson nhẹ nhàng dẫn dắt bạn qua hành trình hướng tới, chấp nhận một lối sống mới tốt đẹp hơn, bền vững hơn.
Rồi từ đó, cô hướng dẫn tỉ mỉ cách áp dụng lối sống này vào mọi mặt đời sống hằng ngày, những điều nhỏ bé, rất cụ thể, thiết thực và cực kỳ gần gũi.
Lý tưởng lớn lao nhất thiết phải đi đôi với những việc làm vĩ đại, hãy bắt đầu với chính những thói quen rất đỗi bình thường của bản thân, “mọi thay đổi dù nhỏ nhưng bền vững cũng đều có tác động tích cực đến hành tinh và xã hội loài người”.
Từng là một tín đồ mua sắm, một con nghiện tiêu dùng, qua một biến cố nhỏ, Bea chợt nhận ra mình đã để cho vật chất chi phối cuộc sống của bản thân và gia đình đến thế nào, và gia đình cô đã để lỡ mất những khoảng thời gian ý nghĩa bên nhau chỉ vì chăm chút cho đống đồ đạc nhà cửa ra sao.
Chúng tôi cầm trên tay cuốn sách Zero Waste Home - Nhà Không Rác cả gần tháng nay. Ngậm ngùi. Buồn vui lẫn lộn. Cuốn sách của một người Mỹ viết, chắc chắn có nhiều điều khác biệt so với văn hóa, lối sống và thực tiễn xã hội của Việt Nam. Nhưng khác biệt đó không hề ảnh hưởng đến tác động khơi gợi và định hướng của cuốn sách.
Chúng tôi tự đặt câu hỏi: Bạn, người đang đọc những dòng chữ này có là người quan tâm và muốn áp dụng lối sống Không Rác? Có thể bạn không áp dụng được những nguyên tắc, cách làm của tác giả, nhưng qua những hướng dẫn thực tế trong sách, bạn sẽ nảy ra những ý tưởng phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Chúng tôi muốn bạn quan sát rác quanh mình, trong nhà mình, ở cơ quan mình, nơi con phố hay làng quê của mình. Rồi nhắm mắt lại nghĩ về 50 năm sau, mà thôi, 10 năm sau thôi nhé. Xem rác sẽ nhiều thế nào. Kẻo rác sẽ lẫn với thức ăn, nước uống của chính chúng ta đấy.
Chúng tôi muốn kêu gọi phong trào Zero Waste Home: Nhà Không Rác ở Việt Nam. Có thể phong trào sẽ chưa được ủng hộ ngay nhưng chúng tôi tin có thể thổi bùng lên trong bạn quyết tâm hành động vì tương lai của chính chúng ta!
Và thông qua tạp chí điện tử “Gia Đình Mới” chúng tôi muốn rằng một gia đình mới, thật sự mới phải có một ngôi nhà không rác. Thật đấy.
Nguyễn Mạnh Hùng & Nguyễn Thanh HuyềnBạn đang xem bài viết Zero Waste Home- Không thể muộn hơn để thực hành lối sống 'Nhà không rác' tại chuyên mục Nơi tôi sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].