Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] - Nỗi niềm ký túc xá

Lần đầu tiên tôi cảm thấy những con người nơi đây như hòa làm một khiến tôi không biết dùng từ nào để diễn tả. Những con người đến từ mọi miền khác nhau, lại như trở thành một nhà khi mọi khoảnh khắc xảy ra...

Tôi chuyển vào sài gòn sống ngay sau khi biết tin tôi đậu vào một trường đại học, đó là một trong những trường thuộc Đại học quốc gia TP.HCM.

Ban đầu tôi dự định cùng đứa bạn thân sống trọ vì có vẻ điều đó sẽ thoải mái hơn sống ở khu ký túc xá, chúng tôi có thể nấu ăn, đi chơi hay làm thêm về trễ sẽ không bị giờ giới nghiêm.

Nhưng cuối cùng vì sự an toàn của bọn tôi mà ba mẹ hai đứa quyết định cho chúng tôi chuyển vào ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Như các bạn biết đấy, ở ký túc xá thì suốt ngày ăn ngoài, lại còn phải ở chung với những người xa lạ, điều này tôi cực kỳ ghét, vì lỡ như không hợp tính nhau thì suốt ngày ra vào cứ phải chạm mặt nhau.

Điều phiền phức nhất chính là nơi tôi ở là một nơi hoang sơ hẻo lánh, bao quanh chỉ có cây, cỏ và lũ dê bò được thả chơi ngoài đường. Mang tiếng là thành phố nhưng có lẽ nó còn nghèo nàn hơn nơi tôi sống ở quê nhà.

Tôi chán ghét nơi này kinh khủng, vì trước khi bước chân vào đại học, tôi đã tưởng tượng ra bao nhiêu là điều tuyệt vời tôi sẽ làm, những nơi vui nhộn tôi sẽ đi mà hàng ngày tôi vẫn thấy trên facebook.

Nhưng đó là những suy nghĩ của tôi ba tháng trước.

Giờ đây tôi lại bắt đầu yêu nơi này đến lạ lùng. Tôi có thói quen dậy rất sớm, vì tôi vẫn không muốn bỏ lỡ những bài giảng của thầy cô.

Bước chân xuống sân gạch, tôi sẽ gặp chú bảo vệ đang trò chuyện cùng cô bảo vệ tòa nhà kế bên. Chú thấy tôi thì bước lại hỏi han, mặc dù biết tôi đi học sớm chưa ăn sáng nhưng chú vẫn hỏi: “Đi học hả con? Ăn sáng chưa?”.

Đều đặn bảy ngày chú đều hỏi bọn tôi như vậy, chắc có lẽ chú thừa biết sinh viên bọn tôi nếu không còn tiền thì mì tôm sẽ là cứu cánh.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Phải nói tôi cực ghét ký túc xá ở một điểm trước giờ vẫn vậy, đó là từ tòa nhà nơi chúng tôi ở ra tới cổng phải đi bộ một khoảng rất xa, buổi sáng thì không hề hấn gì, nhưng vào mỗi buổi trưa thì ôi thôi nắng cháy da cháy thịt bọn con gái chúng tôi.

Bước ra khỏi cổng sẽ có một chú bảo vệ luôn quan sát thẻ sinh viên của bọn tôi. Chú rất vui tính lại tốt bụng nên bọn tôi hay trò chuyện vài dăm ba câu mỗi khi đi ra vào cổng.

Đa số sinh viên ở đây đều rất ngưỡng mộ tòa nhà của chúng tôi. Lầu một thì có phòng tập gym, tiện hết chỗ nói.

Mỗi buổi chiều sẽ có những bạn từ tòa nhà khác đến tập, thậm chí là người từ nơi khác đến, bởi nghe nói phòng tập gym ở đây là tốt nhất khu này.

Đối diện tòa nhà tôi ở là cửa hàng tiện lợi, nơi đây mấy bạn sinh viên ăn uống thì ít mà dùng ké wifi thì hơi bị nhiều, trong đó có tôi.

Đây cũng là nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp đôi, họ thường ngồi đây chỉ bài cho nhau, cùng nhau ăn uống, tiện quá luôn ý chứ!

Bên cạnh cửa hàng tiện lợi là nơi bán bún bò, bánh canh… của một cô chủ vui tính, là chỗ quen thuộc vào mỗi buổi tối của phòng tôi.

Cô bán đủ món nước, lại có khiếu hài hước nên mọi người thường tới đây ăn và trò chuyện cùng cô.

Có hôm vào dịp nghỉ lễ lớn, mọi người rủ nhau về quê, mấy quán cơm gần tòa nhà của tôi cũng đóng cửa, thế là chúng tôi sáng trưa chiều chỉ biết ghé quán cô ăn.

“Mọi người về quê hết rồi, sao cô không về quê chơi hả cô?”. Lúc đó quán chỉ hai đứa bọn tôi, nên cô cười tươi kể, rằng chồng cô dưới quê lên thăm rồi cô về làm gì, với lại mấy ngày này quán bán được nên cô ở lại bán cho mấy đứa.

Tôi bỗng cảm thấy họ đẹp đến lạ, họ bôn ba vào Sài Gòn kiếm ăn, được dăm ba triệu đồng thì phải lo cho con cái, gia đình dưới quê, thế nhưng khuôn mặt họ vẫn toát lên những nụ cười chất phát.

Nụ cười hạnh phúc mà lần đầu tôi thấy ở cô, bởi không gì hạnh phúc hơn khi chồng phương xa lên thăm. Hôm đó cô cười tươi lắm, luôn miệng sai chồng làm này làm kia để phụ nhưng nghe hạnh phúc lắm.

Không chỉ yêu quý những chú bảo vệ, những cô lao công trong khu ký túc xá, tôi còn quý mến những chú tài xế, những cô lơ xe trên các chuyến xe buýt hằng ngày đưa tôi đến trường.

Mỗi buổi sáng, trên chuyến xe buýt từ ký túc xá tới giảng đường, tôi luôn bắt gặp những hình ảnh khiến tôi vui đến lạ.

Đó là cô bán vé xe nhắc nhở chàng trai phía trước đứng lên để nhường ghế cho người già hay bà mẹ có con nhỏ, sau đó lại nhẹ nhàng chỉ cho chiếc ghế trống phía sau mà xuống ngồi.

Có hôm xe đông, họ cố gắng nhét thêm một hai bạn sinh viên dù đã quá tải, thế nhưng sau hành động ấy lại là những câu xin lỗi mấy đứa ráng đi, chứ không thì mấy bạn trễ giờ học.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Một lần nọ, có lẽ là ngày khiến tôi bực bội nhất, vì phải đợi xe buýt hơn ba mươi phút, mà thường ngày thì mỗi chuyến chỉ cách nhau mười lăm phút, bởi học cả ngày mệt lại phải đi bộ rất xa mới ra tới điểm đón xe thế mà phải tiếp tục đợi.

Khi xe buýt đến, lại nhồi nhét một đống sinh viên, có lẽ lúc ấy phải nhét thêm hơn hai mươi con người, tôi khó chịu ra mặt.

Khi xe về đến bến, tôi quyết định chờ mọi người xuống trước rồi mới xuống sau vì không muốn chen chúc nhau.

Chắc mẩm trong đầu sắp được xuống xe, lúc ấy trên xe chỉ còn khoảng năm bạn, thì cô bán vé lại bảo rằng: “Mấy con ơi cô trễ rồi, tụi con ngồi trên xe vô bến nha, cô nộp xong tờ giấy này rồi chở tụi con ra lại nha.

Không lâu đâu, tại giờ cô trễ rồi”. Nhờ vậy mà tôi mới biết thêm rằng, mấy cô chú nhận lương từ những tập vé bán cho bọn tôi, còn nếu trễ giờ thì bị phạt tiền rất cao.

Nên vào mỗi giờ cao điểm cô chú rất sợ, nhưng vì sự an toàn của chúng tôi nên cô chú không dám chạy xe ẩu, chạy nhanh để mà về kịp.

Sau khi nộp xong, cô chú lái xe chở bọn tôi ra lại cổng sau như đã hứa, miệng thì liên tục mỉm cười cảm ơn bọn tôi.

Tôi tình cờ biết được rằng, cô chú tài xế, lơ xe đều là dân tứ xứ lên Sài Gòn kiếm sống, và đối với họ chiếc xe trở thành “ngôi nhà thứ hai”, bởi lẽ mọi hoạt động hằng ngày đều diễn ra trên chiếc xe buýt.

Họ cùng ăn uống, trò chuyện, và còn cùng nhau chăm sóc, giữ gìn sạch sẽ cho “ngôi nhà” của mình.

Điều đặc biệt nhất nơi tôi sống mà tôi muốn chia sẻ chính là cái sân gạch ngay dưới tòa nhà của tôi.

Đây là nơi sinh hoạt của những câu lạc bộ, là nơi hẹn hò của nam nữ, là nơi trò chuyện của những đứa bạn từ xa đến thăm.

Nơi đây luôn ồn ào, náo nhiệt, ban đầu tôi không thích lắm bởi ai mà hài lòng khi đang học bài lại nghe tiếng nhạc, tiếng la hét từ người chơi phía dưới.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Ảnh minh họa - nguồn Internet.

Dần dần, đây lại trở thành nơi chứng kiến bao câu chuyện thú vị của tôi và đám bạn cấp ba mỗi khi gặp mặt.

Mỗi tối khi không có bài học, tôi thường cùng với nhỏ bạn và tụi con trai là bạn học cấp ba sống ở tòa nhà gần đây sang cùng nhau trò chuyện, có khi lại tham gia vào một trong những nhóm hay câu lạc bộ phía dưới.

Có hôm tôi còn tham gia vào nhóm chơi đàn ghi ta chỉ để được thỏa mãn niềm yêu thích ca hát của mình, tuy rằng đám bạn tôi luôn sợ hãi mỗi khi tôi hát.

Có lần cúp điện, thế là bọn tôi chán nản ở trong phòng, trong lúc chờ đợi cấp điện trở lại, mấy đứa tòa kế bên cứ la hét um sùm, thế là một phòng bên tòa tôi cũng đáp trả, đó lại trở thành thú vui mỗi tối cúp điện của bọn tôi trong ký túc xá.

Niềm vui ấy nhân lên khi nhiều phòng bắt đầu nối tiếp nhau hò hét cho đến khi có điện thì cũng là lúc bạn sẽ nghe tiếng sấm cùng lúc vang lên, có tiếc nuối vì sáng đèn nhưng đó là lúc kết thúc một buổi tối nhàm chán của chúng tôi.

Hôm mà đội tuyển U23 thắng trận, bạn không biết đâu, nơi đây trở thành sân vận động với hàng trăm con người đổ xuống sân tòa nhà để “đi bão”, còn có những đứa ở trên nhà vẫn cỗ vũ bằng thanh quãng của mình, trong đó có phòng tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy những con người nơi đây như hòa làm một khiến tôi không biết dùng từ nào để diễn tả. Những con người đến từ mọi miền khác nhau, lại như trở thành một nhà khi mọi khoảnh khắc xảy ra.

Chúng tôi không quen biết nhau, sống ở một nơi hẻo lánh, lại trở thành bạn, lại trở thành một thành viên trong gia đình lớn.

Nơi có cô trưởng nhà, chú bảo vệ luôn nghiêm khắc như cha mẹ, có cô chú lái xe buýt luôn vui vẻ như những người thân trong gia đình, có những người bán quán luôn quan tâm tới bữa ăn hàng ngày của chúng tôi...

Và đặc biệt là những anh chị, những người bạn trong ký túc xá luôn bên nhau giúp đỡ khi gặp khó khăn. Có lẽ, khi đến một không gian sống mới, có thể tìm được một gia đình lớn như vậy là điều hạnh phúc nhất đối với tôi!

Hồ Thị Tuyết

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính