Là một trong 5 người may mắn được nhận bộ tóc giả dài, chị Trần Thị Hồi 47 tuổi, quê Thái Bình hồ hởi khi được hướng dẫn đội tóc. Chị cho biết phải mất một thời gian khá dài chị mới thích ứng được với mái đầu trọc.
Phát hiện mắc ung thư vú cách đây 5 tháng, chị được chỉ định phẫu thuật, điều trị hóa chất. Như bao bệnh nhân khác chị đã được bác sĩ tư vấn về các tác dụng phụ khi điều trị hóa chất trong đó có rụng tóc. Song biết là một chuyện, thực tế trải qua là một chuyện khác.
“Sau 14 ngày truyền hóa tóc tôi bắt đầu rụng, chỉ cần vuốt nhẹ tóc cũng được cả nắm. Cảm giác lúc đó thấy xót lắm, buồn, suy sụp tinh thần, khóc đến mấy ngày. Sang đợt điều trị thứ 2 thì mái tóc đen dài ngày nào chỉ còn lơ thơ vài sợ, tôi đành phải cạo trọc”, chị Hồi nhớ lại.
Mái đầu trọc lốc khiến chị không dám đi ra ngoài đường, dù chỉ đi chợ vì sợ bị nhìn chằm, chỉ chỏ. Song nhờ chia sẻ từ nhiều chị em khác cùng chung hoàn cảnh với mình, chị cũng thấy phấn chấn hơn. Đồng thời dần dần thích ứng với việc không còn tóc dù trong thâm tâm vẫn ao ước mái tóc đen dài như xưa.
Vì thế khi biết tin được tặng tóc giả, chị đã xin một bộ tóc dài. Rất vừa ý với bộ tóc mới, chị cười nói: “Giờ có tóc rồi mình sẽ tự tin hơn”. Chị đang chuẩn bị bước vào đợt điều trị hóa chất thứ 5.
Cũng nhằm trao thêm nhiềm tin giúp những bệnh nhân ung thư khác vượt qua rào cản mặc cảm khi bị rụng tóc, Bệnh viện K cũng xây dựng mô hình từ thiện Tủ tóc giả và sách thí điểm thực hiện tại khoa Nội Quán sứ.
Trước và trong quá trình điều trị hóa chất, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế tư vấn về nguy cơ, mức độ rụng tóc, cách sử dụng và bảo quản tóc giả.
Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được cấp miễn phí tóc giả, mũ vải được thiết kế riêng cho người bệnh ung thư.
Ngay trong ngày đầu triển khai, tủ tóc giả đã có 50 bộ, phát 26 bộ cho các bệnh nhân. Về lâu dài những bệnh nhân nghèo, khó khăn sau khi các bác sĩ tư vấn dùng phác đồ rụng tóc sẽ được tặng một bộ tóc giả, gồm cả mũ và khăn quấn đầu.
Ngoài ra, nhằm tránh lãng phí, đồng thời để cổ vũ tinh thần vì cộng đồng trong nhóm bệnh nhân ung thư, những bệnh nhân đã hoàn thành điều trị có thể tặng lại những bộ tác giả đã qua sử dụng còn tốt.
Chúng sẽ được các chuyên gia về tóc đánh giá để đảm bảo chất chất lượng và vệ sinh trước khi được tặng lại cho bệnh nhân khác.
Với bệnh ung thư, điều trị bằng hóa chất là một trong những phương pháp kinh điển, ưu tiên lựa chọn với nhiều bác sĩ. Song tác dụng phụ thường gặp của nó với người bệnh là rụng tóc.
Đối với các chị em điều trị ung thư, việc rụng tóc có lẽ chính là điều khủng khiếp nhất, tác động nặng nề về tâm lý, ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Người bệnh không chỉ chiến đấu chống lại bệnh tật mà còn còn phải đấu tranh với chính những suy nghĩ tiêu cực, sự mặc cảm của chính bản thân.
Không những thế, rụng tóc đôi khi cũng là một rào cản đối với điều trị. Nhiều bệnh nhân quyết định chọn một phác đồ ít hiệu quả hơn so với phác đồ hóa chất tối ưu chỉ vì không muốn bị rụng tóc.
Điều an ủi là tóc có thể mọc lại sau khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị. Vì thế, sử dụng tóc giả là biện pháp tiện lợi và phổ biến nhất để khắc phục tạm thời tình trạng rụng tóc trong quá trình điều trị hóa chất.
Trong thời gian tới, Bệnh viện K sẽ tiếp tục phối hợp với các cá nhân, tổ chức từ thiện trao những điều tốt đẹp nhất đến bệnh nhân ung thư.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Những vật bất ly thân của các nữ bệnh nhân ung thư tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].