1. Hoàng Thành Half Marathon - Dấu Chân Kinh Kỳ
Thời gian: 6h, ngày 25/2
Địa điểm: Tượng đài Lý Thái Tổ, 12 Lê Lai, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chi phí: Miễn phí
Hoạt động: "Hoàng Thành Half Marathon - Dấu Chân Kinh Kỳ" là một sự kiện FREE RUN - CHẠY MỞ, nằm trong chuỗi hành trình sự kiện do #chayviminh tổ chức hướng tới với sứ mệnh: "Vì một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc".
Bao gồm các sự kiện:
- "Hồ Gươm - Nơi Tình Yêu Bắt Đầu" dành cho mọi người mới chạy và sắp chạy.
- "Hồ Tây Trong Tầm Chân" dành cho người muốn chinh phục 1 vòng Hồ Tây 15km.
- "Long Bien Run - Chạy Mệt Nghỉ"
- "Song Hồ Half Marathon - Dấu Mốc Đầu Tiên"
- "Hoàng Thành Half Marathon - Dấu Chân Kinh Kỳ"
- "Hồng Hà Half Marathon - Ký Ức Vẹn Nguyên"
- "Songhong Trail"- "Khám Phá Tây Hồ"- Nhật Tân Half Marathon- Run Against Cancer
Lộ trình Hoàng Thành Half Marathon: Tượng đài Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Dầu, Hàng Bè, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Buồm, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Vườn hoa hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Trần Phú, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng - Tượng đài Lý Thái Tổ. Tổng chiều dài: 7,1km
2. Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018
Thời gian: 9h - 21h, ngày 18 - 25/2
Địa điểm: phố Sách Hà Nội (phố 19 tháng 12), phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm
Chi phí: Miễn phí
Phố sách Xuân 2018 được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tôn vinh văn hóa đọc và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các hoạt động trong khuôn khổ Phố sách Xuân: Trưng bày, giới thiệu tới bạn đọc các thể loại sách phong phú, đa dạng: sách thiếu nhi, sách văn học, sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số...
Tổ chức không gian sách: Các đơn vị đang hoạt động tại Phố Sách Hà Nội; trưng bày, giới thiệu sách tại 16 gian hàng cố định. Các nhà xuất bản, công ty sách khác được lựa chọn tham gia "Phố sách xuân Mậu Tuất 2018", trưng bày, giới thiệu sách tại khu vực quảng trường và hai đầu Phố Sách.
Tổ chức gian trưng bày báo Tết Dương lịch 2018 và báo Tết Mậu Tuất của các cơ quan báo chí Hà Nội và các báo Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố.
Tổ chức các hoạt động giới thiệu, ký tặng sách, giao lưu với các nhà văn, các tác giả; giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết; tô màu tranh thiếu nhi, tổ chức không gian đọc sách...
3. Hội Gióng Mậu Tuất 2018
Thời gian: 8h, ngày 21 - 23/2
Địa điểm: Đền Sóc Sơn, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn
Chi phí: Miễn phí
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, thi đấu thể dục thể thao và các trò chơi dân gian trong khu vực lễ hội như biểu diễn nghệ thuật, võ thuật, vật, tổ chức các trò chơi dân gian, giải bóng chuyền…
4. Vui xuân Mậu Tuất 2018: Sắc thái văn hóa Bình Phước
Thời gian: 9h, ngày 24 - 25/2
Địa điểm: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy
Chi phí: Miễn phí
Bình Phước – nơi thiên nhiên hoang sơ, thanh âm của cồng chiêng, giai điệu của những bài dân ca, dàn nhạc ngũ âm vang lên, được xem như là linh hồn trong đời sống văn hóa của các tộc người xứ thủ phủ điều, mang nhiều ý nghĩa và vẻ đẹp tiềm ẩn.
Hương vị của lá nhíp xào đọt măng, bánh còng, bánh lá dứa,... cũng sẽ có nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá. Và một món quà đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dành tặng bạn cũng như những người bạn từ phương xa vào lúc 18h ngày mùng 9 Tết, đó là màn đốt pháo bông truyền thống để đón may mắn, bình an trong năm mới.
Ở cùng một nơi giữa lòng Hà Nội, bạn có thể trải nghiệm ngày Tết của hai miền Nam – Bắc. Vậy thì còn điều gì khiến bạn phải chần chừ nữa đây?
5. Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018
Thời gian: 18h, ngày 09 - 22/2
Địa điểm: Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, số 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa
Chi phí: Miễn phí
Đây là sự kiện thường niên diễn ra tại Hồ Văn, thuộc khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Một địa điểm thú vị cho du khách lựa chọn để đón năm mới và du xuân với nhiều hoạt động đặc sắc như:
- Trình diễn thư pháp
- Hoạt động cho chữ và xin chữ
- Trải nghiệm các làng nghề truyền thống Việt Nam
- Tham gia nhiều hoạt động, trò chơi đậm nét dân gian
6. Lễ hội Hoà âm ánh sáng
Thời gian: 9h, ngày 17/2 - 16/3
Địa điểm: Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức
Chi phí: 200.000-250.000đ/ người
Toàn bộ Công viên Thiên đường Bảo Sơn sẽ biến hóa thành một Light City. Được đầu tư tới hàng chục tỷ đồng, chuẩn bị công phu trong suốt 6 tháng với sự tham gia của hàng trăm nghệnhân, Light City 2018 bao gồm gần 100 mô hình như cối xay gió, giày thủy tinh, hồng hạc, dàn nhạc cổ điển, thiên thần, tiên nữ, thiên nga, vườn bươm bướm, tượng nhân sư, khu vườn bí ngô, biển cá heo…..
Cả một thành phố thu nhỏ lung linh sắc màu như một xứ sở thần tiên cho du khách thỏa sức tham quan, chụp ảnh. Vào các ngày chính hội, mùng 3 đến mùng 5 Tết cũng như các ngày cuối tuần, lần đầu tiên Công viên Thiên đường Bảo Sơn mở cửa buổi tối, đón khách tới 21h00.
Chương trình Đêm hội Remix với sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng như ca sĩ Đức Phúc, Yến Ngọc..., DJ, LED dance, ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy, Vũ đoàn Grammy... sẽ tạo nên một lễ hội đúng nghĩa với âm nhạc sôi động và không gian ánh sáng kỳ ảo.
Một phần không thể thiếu trong lễ hội là Hội chợ ẩm thực Asian, quy tụ tinh hoa ẩm thực từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ.... tới ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động đặc trưng của Công viên Thiên đường Bảo Sơn như Diễu hành carnival, Vũ hội chào Xuân, Thung lũng hoa xuân hay Tổ hợp Safari vẫn sẽ là những điểm thu hút khách tham quan.
7. Trải nghiệm cắm trại qua đêm
Thời gian: 24/2
Địa điểm: Dream&Do Garden, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất
Chi phí: 190.000đ/ người
Chỉ cách Hà Nội hơn 30km với đường di chuyển rất thuận tiện bằng oto cá nhân hoặc xe bus, nhưng Dream&Do Garden - nông trại trên đồi được thừa hưởng một vị trí đặc biệt với cảnh quanđa dạng đan xen của miền trung du Bắc Bộ.
Với không gian mở bao quanh bởi những địa hình đa dạng bao gồm suối, rừng, đồi núi, nông trại Dream&Do Garden là một địa điểm lý tưởng dành cho các gia đình muốn trải nghiệm và khám phá hay dạy con về những bài học gắn liền với thiên nhiên hoang dã.
Bên cạnh #FamilyTrekkingTour - chương trình dã ngoại trong ngày dành cho các gia đình ưa khám phá thiên nhiên, #NightCamping là chương trình trải nghiệm dựng lều, cắm trại qua đêm ngay tại Dream&Do Garden.Với những tiện nghi đầy đủ và không gian an toàn, Dream&Do Garden hoàn toàn có thể mang tới cho các gia đình, đặc biệt là các con một trải nghiệm thực sự đáng nhớ trong đời.
8. Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc"
Thời gian: 8h, ngày 24 - 25/2
Địa điểm: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây
Chi phí: Miễn phí
Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ Quốc” là hoạt động mừng Đảng,mừng Xuân Mậu Tuất (2018) nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.
Đặc biệt là giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc có điểm nhấn của các dân tộc theo cụm làng chủ đề qúy “Những sắc màu Văn hóa - Du lịch Tây Bắc” và phát huy các không gian tâm linh trong Làng. Hoạt động nhằm đề cao vai trò và quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa, lễ hội tiêu biểu, ẩm thực đặc sắc vùng miền tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
9. Triển lãm "Ban thờ ngày Tết"
Thời gian: 22/2 - 1/3
Địa điểm: Đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc
Chi phí: Miễn phí
Trước rằm tháng Chạp (15 tháng 12 âm) nhà nhà đã bắt đầu quét dọn gian thờ, bao sái chân nhang, đánh bóng các đồ thờ tự và bày biện để chuẩn bị rước ông Táo (thần bếp) lên chầu trời.
Người thành phố thì quan niệm ngày 23 tháng Chạp, ông Táo chầu trời mới kết thúc chu trình làm việc của gia đình trong năm, thêm nữa đó mới là lúc người ta rảnh rỗi công việc và có thời gian để làm việc này.
Thế nên, đại đa số gia đình thành thị thường làm việc này sau ngày 23 tháng Chạp với ý nghĩa là tiễn tất cả những gì cũ kỹ, tồn di của 1 năm mới ra đi để đón những điều mới mẻ cùng một mùa xuân mới đang đến.
Sau khi lau dọn bàn thờ, đồ thờ xong, người ta lại lau lại 1 lần nữa bằng nước đun ngũ vị hương để tẩy uế, trừ tà và tạo ra một hương thơm thoang thoảng trên bàn thờ ngày tết.
Việc bày biện trên bàn thờ người Việt ngày tết không chỉ là để tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, thánh thần mà còn là thể hiện sự sung túc, đầy đủ, yên bình của cả gia đình để đón một mùa xuân mới với những điều tươi mới, tốt đẹp & nhiều sự kiện ý nghĩa sẽ diễn ra trong gần 1 tháng tại 42 Hàng Bạc.
10. Đạp xe điền dã
Thời gian: 7h, ngày 25/2
Địa điểm: The Hanoi Bicycle Collective số 31 Nhật Chiêu, Tây Hồ
Chi phí: 100.000 đồng/người
Đạp Đi Chơi diễn ra vào Chủ Nhật cuối cùng hàng tháng. Mỗi lần đi, chúng ta sẽ đạp khoảng từ 60km đến 120km với tốc đọ trung bình khoảng từ 18km/h đến 25km/h.
Vì là chuyến đạp xe đi chơi trong ngày, chúng ta sẽ đạp xe đến bất cứ đâu mà chúng ta có thể đi trong ngày như các vùng trong và lân cận Hà Nội, hay các tỉnh gần như Bắc Ninh, Hòa Bình,...
An VyBạn đang xem bài viết Những sự kiện cuối tuần dành cho cả gia đình tại Hà Nội (Từ ngày 23/2 đến 25/2) tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].