Báo Điện tử Gia đình Mới

Những phong tục đón năm mới thú vị trên khắp thế giới

Tết là khoảng thời gian để đón chào một năm mới với những điều mới mẻ, bình an và thịnh vượng sắp đến. Mỗi quốc gia trên thế giới lại có những phong tục đón năm mới độc đáo riêng, ẩn chứa nhiều ước nguyện của họ về một năm mới an lành.

1.  Tây Ban Nha

Ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông sẽ đem lại may mắn

Ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông sẽ đem lại may mắn

Vào đúng nửa đêm, người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông mừng năm mới để gặp may mắn cả năm.

Mỗi quả nho tượng trưng cho một tháng trong năm và cần được ăn trong thời khắc giao thừa. Nếu sau 12 tiếng chuông ai không ăn hết nho thì điều đó được coi là không may.

Người Tây Ban Nha cũng kiêng bước chân trái đầu tiên khi ra vào nhà trong đêm giao thừa hay đi ra khỏi nhà vào sáng hôm sau.

Đồng thời, mặc đồ lót đỏ cũng sẽ mang may mắn đến cho cả năm nhưng phải là đồ người khác cho hoặc tặng.

2. Trung Quốc

Bữa cơm đoàn viên của gia đình Trung Quốc

Bữa cơm đoàn viên của gia đình Trung Quốc

Giống như Việt Nam, Trung Quốc đón tết chính theo lịch âm. Vào dịp này, người Trung Quốc sẽ trở về quê nhà và quây quần bên gia đình.

Trước Tết, người dân sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và giặt giũ, phơi phóng với ý gột bỏ rủi ro của năm cũ, đón mừng sự may mắn của năm mới.

Mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau mua sắm hàng tết, như: bánh, kẹo, thịt, cá, hoa quả... để ăn uống và tiếp khách trong dịp tết. 

Mọi người sẽ làm những bàn tiệc lớn để ăn uống, chúc tụng và chờ đón thời khắc năm mới đến để chúc nhau những lời chúc an lành.

Người Trung Quốc cũng có thói quen đốt pháo giấy. Các thành phố lớn của Trung Quốc cũng bắn pháo hoa chào mừng như nhiều nước trên thế giới.

3. Philippines

Tại Philippines, người dân mặc đồ hình tròn để cầu tài lộc

Tại Philippines, người dân mặc đồ hình tròn để cầu tài lộc

Tại Philippines, hình tròn là biểu tượng tượng trưng cho tài lộc. 

Do vậy, đến đêm giao thừa, người dân sẽ mặc lên mình những món đồ có hình tròn như quần áo có họa tiết chấm bi, chất đầy túi các loại tiền xu hoặc ăn những trái cây dạng tròn.

Món chính trong dịp này thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác.

Trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc chai rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình sẽ đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.

Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới.

4. Nhật Bản

Người Nhật thường treo shimenawa trước cửa nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, chào đón các vị thần và những điều may mắn

Người Nhật thường treo shimenawa trước cửa nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, chào đón các vị thần và những điều may mắn

Năm mới ở Nhật Bản được gọi là Oshogatsu. Trong dịp này, người Nhật sẽ trang trí nhà mình thật đẹp với lá thông hoặc tre và các sợi dây.

Họ tin rằng nó có thể xua đuổi ma quỷ và mang lại sức khỏe, trường thọ cho gia đình. 

Vào thời điểm giao thừa, các ngôi chùa đạo Phật ở Nhật Bản sẽ rung chuông 108 lần biểu tượng cho 108 điều sân si và niềm không may của con người, giúp thanh lọc tâm hồn cho một năm mới đến.

Ngoài ra, người Nhật Bản cũng tặng nhau những tấm thiệp năm mới cho người thân, bạn bè và cho trẻ con lì xì mừng tuổi như nhiều nước châu Á khác.

5. Hà Lan

Bánh Olie bollen truyền thống của Hà Lan vào dịp Tết

Bánh Olie bollen truyền thống của Hà Lan vào dịp Tết

Giống như người Việt Nam ăn bánh chưng vào tết Nguyên Đán, người Hà Lan có truyền thống thưởng thức món bánh Olie bollen - một loại bánh có hình tròn để đón năm mới.

Theo quan niệm của người dân nước này, cắn một miếng bánh phồng to vào ngày đầu năm có nghĩa là bạn sẽ được hưởng những điều tốt đẹp, trọn vẹn trong năm tiếp theo.

Một phong tục thú vị khác ở Hà Lan là đốt cây thông noel. Những cây thông được giữ lại từ Giáng sinh sẽ được mang đi đốt thành những đống lửa lớn, như một nghi lễ giúp người Hà Lan xua đi những điều đen đủi của năm trước.

Người dân Hà Lan cũng có thói quen dọn dẹp căn nhà của họ vào dịp năm mới.

6. Scotland

Một trong những điều không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Scotland đó chính là ánh sáng của nến và đuốc

Một trong những điều không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Scotland đó chính là ánh sáng của nến và đuốc

Đêm giao thừa ở Scotland được gọi là 'đêm của nến'. Trước thềm năm mới, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa và thanh lọc nhà bằng nghi lễ đốt nhánh cây bách xù và đem xông khắp nhà.

Vào đêm giao thừa, các gia đình sẽ đặt những đồng tiền trước cửa, khi chủ nhà ra mở cửa vào sáng ngày hôm sau, đồng tiền đó sẽ là đồng tiền phát tài của cả năm.

Người Scotland cũng có tục xông nhà. Họ tin tưởng rằng, việc mời một anh chàng đẹp trai, cao ráo với nước da hơi ngăm vào nhà đầu tiên của năm mới thì có nghĩa là may mắn cũng sẽ đến theo.

7. Chile

Ở Chile, giao thừa chính là dịp để những người thân đã khuất trở về và chờ đợi họ mỗi năm

Ở Chile, giao thừa chính là dịp để những người thân đã khuất trở về và chờ đợi họ mỗi năm

Không giống như các nước châu Âu, người thị trấn Talca ở Chile sống tại khu vực Nam Mỹ có thói quen đón giao thừa ngay trong những nghĩa trang của người chết.

Họ tin rằng, giao thừa chính là dịp để sưởi ấm cho những ngôi mộ lạnh lẽo, nơi những người thân đã khuất trở về và chờ đợi họ mỗi năm.

Đón giao thừa tại nghĩa trang sẽ giúp những người yêu thương nhau có thể cùng bắt đầu một năm mới hạnh phúc.

Ở nghĩa trang, người ta sẽ mở những bản nhạc cổ điển và thắp những cây nến lung linh trước mộ người thân, cùng nhau kể lại những câu chuyện về gia đình và cùng đón khoảnh khắc năm mới đến.

8. Việt Nam

pic (7)

Đối với người Việt Nam, Tết là dịp để quây quần, sum họp bên gia đình.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo. Lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt của gia đình trong năm cũ.

Người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ Tết, đặc biệt là hoa đào, hoa mai hoặc quất để bày trong nhà.

Món ăn truyền thống ngày Tết ở Việt Nam là bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả thì tùy thuộc vào vùng miền mà có các loại quả khác nhau. Tất cả đều mang ý nghĩa vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phúc lộc tràn đầy…

Ngoài ra, người Việt Nam còn có truyền thống đi xin chữ để mong những điều tốt đẹp sẽ đến với cả gia đình.

9. Hàn Quốc

Tết ở Hàn Quốc được gọi là Seollal, là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên và sum họp gia đình

Tết ở Hàn Quốc được gọi là Seollal, là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên và sum họp gia đình

Tết của người Hàn Quốc được xem là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian trên khắp cả nước.

Trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì người dân cho rằng tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Tất cả các thành viên trong gia đình đều thức trong đêm giao thừa vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Nhiều người Hàn Quốc mở đầu năm mới theo nghi thức nho giáo có tên gọi Charye. Cả đại gia đình khoác lên mình trang phục Hanbok mới sặc sỡ và tụ tập ở nhà người trưởng nam, đồng thời chuẩn bị sẵn một chiếc bàn thấp, trên đó đặt tờ sớ và nhiều món ăn theo nghi lễ. Theo truyền thống, mỗi gia đình sẽ cúng bốn đời ông bà tổ tiên.

Sau khi thụ lộc và ăn cỗ, thế hệ trẻ sẽ cúi người thực hiện nghi lễ sebae đồng thời tặng quà năm mới để thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi.

Những người lớn sẽ đáp lại bằng những lời răn dạy, lời chúc năm mới thịnh vượng, như ý hoặc tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ.

10. Đan Mạch

Đập vỡ bát đĩa trước nhà người khác để cầu may mắn đến với gia đình họ

Đập vỡ bát đĩa trước nhà người khác để cầu may mắn đến với gia đình họ

Với người châu Á, sự đổ vỡ vào năm mới báo hiệu điềm không may nhưng với người dân Đan Mạch, đó lại là sự may mắn.

Họ sẽ đập vỡ bát đĩa vứt ở cửa nhà hàng xóm để chúc cho gia đình này gặp nhiều may mắn. Gia đình nào có càng nhiều đĩa vỡ trước cửa càng vui mừng vì họ sẽ có một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Lam

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính