Giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, xã hội phát triển mang lại rất nhiều tiện ích nhưng cũng có những hệ lụy, những tệ nạn xã hội mà trẻ em là đối tượng rất dễ chịu ảnh hưởng vì trẻ em vẫn còn non nớt trong nhận thức, hành động.
Đặc biệt, giai đoạn 4 - 12 tuổi có thể coi là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở giai đoạn này, trẻ rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình.
Vì vậy, cha mẹ cần dạy cho trẻ những kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khi không có người lớn bên cạnh.
1. Kỹ năng an toàn khi chơi
Trẻ em luôn hiếu động và thích khám phá những thứ mới lạ. Vì còn rất ngây thơ, hồn nhiên và ham vui nên đôi khi trẻ chơi hăng say quá mà vô tình va đập vào những đồ đạc xung quanh.
Vì thế, cha mẹ cần chỉ cho trẻ những nguy hiểm cần tránh trong quá trình chơi. Dù trẻ chơi trong nhà hay ngoài trời đều có thể gặp phải những vật nguy hiểm như cầu thang, ổ điện, ấm nước, xe cộ đi lại hoặc những người lạ mặt có ý đồ xấu...
Cha mẹ hãy giúp bé nhận thức giữa điều tốt và không tốt, việc nên làm và không nên làm, nơi an toàn và không an toàn để trẻ có thể tự phòng tránh.
2. Kỹ năng ứng phó khi bị quấy rối
Bị quấy rối và xâm hại là một trong những điều cha mẹ cần hết sức lưu tâm đối với trẻ. Trẻ chưa được trang bị kiến thức giáo dục giới tính và kỹ năng tự vệ, vì thế dễ bị người xấu lợi dụng.
Tuy trẻ còn nhỏ tuổi chưa tiếp thu được những kiến thức giáo dục giới tính cần thiết, nhưng cha mẹ cũng nên chỉ cho trẻ những điều cơ bản như cách cư xử khi gặp người lạ, cách từ chối những động chạm xấu và cách "cầu cứu" sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
3. Kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ
Trong khi chơi đùa, bé rất dễ gặp phải những tình huống bất ngờ không thể lường trước như bị ngã, bị bỏng hay lạc đường... Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ phải tìm sự trợ giúp của ai khi gặp khó khăn, hoặc cách sơ cứu trong những tai nạn nhỏ như đứt tay, va đập nhẹ.
Ngoài ra, có nhiều trẻ khi bị đau vẫn giấu diếm bố mẹ vì sợ bị mắng, cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe và trò chuyện với trẻ thường xuyên để loại bỏ tâm lý sợ sệt, "giấu dốt" và giúp trẻ sẵn sàng bày tỏ hơn.
Đồng thời, hãy dạy cho trẻ những nguyên tắc cơ bản để giữ sự an toàn cho bản thân như không đi theo và nhận quà từ người lạ, không để người lạ động chạm vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể...
4. Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Trẻ trong giai đoạn 4 - 12 tuổi thường được bố mẹ đưa đi học, nhưng cũng có nhiều trẻ tự đi học một mình hoặc đi cùng bạn bè. Vì thế, cha mẹ cần sớm dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông.
Một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều hành giao thông, cách sang đường hoặc đi qua các ngã ba, ngã tư... là những kiến thức mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần biết.
5. Một số nguyên tắc cha mẹ cần chú ý:
- Để truyền đạt cho trẻ những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, trao đổi và tạo niềm tin với trẻ.
- Khi trẻ sai, nên khuyên bảo nhẹ nhàng thay vì quát mắng.
- Tập cho trẻ thói quen để trẻ hiểu về nguyên nhân - kết quả, giúp nâng cao khả năng tư duy của trẻ.
- Để trẻ hiểu các tình huống có thể gặp phải, cha mẹ có thể chơi trò "đóng kịch" với con vừa vui nhộn, vừa giúp trẻ dễ hiểu, nhớ lâu.
- Đưa ra các nguyên tắc nhất định về những việc nên làm và không nên làm, an toàn và không an toàn.
LamBạn đang xem bài viết Những kỹ năng cha mẹ cần dạy để trẻ tự biết bảo vệ mình tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].