Nếu như gia đình có cha mẹ khá giả, anh em họ hàng đông đúc thì khi có việc lớn như vay tiền mua nhà thì xem như tương đối thuận lợi.
Thế nhưng, với trường hợp gia cảnh người thân đều khó khăn như mình, anh em thì ít, cửa vay ngân hàng càng khó khi lương thu nhập hàng tháng chứng minh thấp, lãi suất vay cao… thì đó không thể không nghĩ đến cửa vay đồng nghiệp, bạn bè quan hệ xã hội và câu chuyện lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn đối nhân xử thế ra sao trong cuộc sống hàng ngày.
Câu chuyện vay mượn tiền của các nhân vật chia sẻ với Gia Đình Mới dưới đây là một ví dụ cụ thể
Khoản cho vay bất ngờ của chủ nhà trọ
Mặc dù đã đổi nhà đến 4- 5 lần theo hướng ăn ra làm nên nhưng khi kể về chuyện vay tiền mua nhà với Gia Đình Mới, anh Nguyễn Hoàng Q. (Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ mãi lần vay mượn mua nhà đầu tiên của mình.
Sau khi lập gia đình gần 8 năm vợ chồng anh vẫn chưa hề có ý định mua nhà do căn nhà anh thuê ở một ngõ nhỏ ngay gần Ngã Tư Vọng khá thuận tiện cho hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt cá nhân, từ chợ búa đến bệnh viện, đường về quê hay đến nơi làm việc của hai vợ chồng và thuận tiện cho con học hành.
Thế nhưng đùng 1 cái, khu nhà chỗ tôi thuê trọ rơi vào diện giải tỏa giải phóng mặt bằng để mở rộng Ngã Tư Vọng và đường Trường Chinh. Đúng lúc này thì vợ ạnh mang bầu chuẩn bị sinh cháu thứ 2.
Gần 2 tháng không tìm được nhà thuê vừa túi tiền vì thời điểm đó (khoảng năm 2004 -2005), quanh khu vực này chưa có nhiều chung cư để thuê trọ mà phần lớn là nhà tập thể cũ nát hoặc các dãy nhà trọ ẩm thấp dành cho sinh viên thuê, anh chợt nảy ra ý định mua nhà riêng.
Ngôi nhà đầu tiên anh sở hữu là căn hộ tập thể cũ ở phố Phương Mai có giá gần 700 triệu nhưng trong túi hai vợ chồng chỉ có khoản tiết kiệm 220 triệu đồng. Được 2 bên gia đình và anh em cho vay, vợ chồng anh có gần 600 triệu đồng nữa. Thế nhưng vẫn còn thiếu đến 100 triệu mà chưa biết tính xoay ở đâu.
Đúng lúc đó, một chiều tối anh đi làm về thì bà chủ nhà trọ gọi 2 vợ chồng sang nói chuyện. Anh cứ nghĩ chắc cô chú nói về thời hạn dọn nhà đi để cô chú còn bàn giao cho bên giải phóng mặt bằng.
"Thế nhưng, đến khi sang thật bất ngờ khi cô chú chủ nhà đặt trước mặt vợ chồng tôi một cọc tiền to và nói: “Hôm vừa rồi tình cờ nghe con cô về kể chuyện vợ chồng cháu đang xoay xở tính cách mua nhà. Cô chú thấy vợ cháu gần đến ngày sinh rồi mà chưa có nơi ở ổn định, chạy ngược chạy xuôi vay mượn.
Đoán thế nào các cháu không có đủ tiền nên cô chú sẵn có ít tiền mặt do đền bù giải phóng mặt bằng ngôi nhà cháu thuê chưa dùng đến nên quyết định cho vợ chồng cháu mượn, khi nào có và con cứng cáp thì trả và không tính lãi”, anh kể.
Đã thế cô chú nói không cần phải viết giấy nợ vì nếu không tin thì cô chú đã không cho vay. Vợ chồng anh nghẹn ngào vì khoản tiền cô chú cho mượn 100 triệu thời bấy giờ quá lớn và có giá.
Sau này, cô chú kể, cô chú giúp anh là vì những lần cô chú đi công tác hoặc làm về muộn thì anh (hồi đó là sinh viên) thường chạy sang trông các em giúp cô chú, đôi khi bọn trẻ ốm còn đưa đi viện giúp, giúp bọn trẻ học bài.
Có những lúc, anh nhịn đói mấy ngày vì tháng đó lỡ tiền mua nhiều sách về học chứ nhất định không dám chậm trả tiền thuê nhà 1 ngày.
Chưa kể hàng xóm có hỏng hóc điện nước, máy móc thì gọi cái là anh (dân cơ điện Bách Khoa) có mặt giúp liền mà sau này anh lấy vợ thì nhiều lần bị bà xã cằn nhằn vì cho rằng “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”.
“Đến giờ, dù không còn ở gần cô chú chủ nhà trọ nữa nhưng mỗi khi cô chú có việc hoặc gia đình tôi có việc là mọi người lại có mặt như những người thân ruột thịt và cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống thường ngày”- Anh Q cho hay.
Em có cây vàng dành để cưới vợ, chị thiếu thì em cho mượn đỡ!
Cũng vì tính sởi lởi hay giúp đỡ mọi người xung quanh mà chị Kim Dung (Hạ Đình, Thanh Xuân) cũng khá bất ngờ được bạn đồng nghiệp mới vào làm cho mượn vàng để trả nợ tiền mua nhà.
Mua nhà được một thời gian, thì chị Dung có một khoản vay 70 triệu của người họ hàng bị đòi sớm hơn dự kiến và yêu cầu trả gấp trong vòng 1 tuần. Lúc đó, trong nhà vợ chồng chị chỉ còn khoảng 5 triệu tiền lương tháng vừa lĩnh.
Sau hồi bàn tính, hai vợ chồng chị quyết định đều làm đơn xin tạm ứng lương tháng sau ở công ty, tính ra cũng chỉ được 15 triệu đồng. Nhưng tính ra vẫn còn thiếu 50 triệu đồng.
Đang cơn bĩ cực thì tối đi làm về chị Dung hớn hở khoe là đã có tiền để trả cho họ hàng. Chồng chị Dung thắc mắc hỏi ở đâu ra thì chị Dung kể: “Sáng đến cơ quan làm em có làm đơn xin tạm ứng lương tháng sau luôn đang chờ trưởng phòng ký thì thấy một cậu đồng nghiệp trẻ (vừa mới vào làm được gần 1 năm) cùng phòng hỏi: “Chị có việc gì mà phải xin tạm ứng tháng lương sớm vậy?”
Khi nghe chị Dung kể chuyện về khoản vay đáo hạn sớm. Cậu đồng nghiệp liền nói luôn: “Vậy chị không cần phải tạm ứng lương trước đâu ạ. Em sẽ cho chị vay 1 cây vàng và nửa tháng lương vừa lĩnh của em.
Đây là số tiền em dành dụm để cưới vợ nên chị mượn. Vì giờ em chưa có người yêu nên chắc chị không phải lo trả em ngay”- cậu bạn đồng nghiệp vừa cười vừa nói, đồng thời giao hẹn là khi trả sẽ phải trả bằng vàng.
Nói là làm, chiều tan làm cậu ấy kéo chị Dung về nhà lấy vàng cho mượn. Chị Dung áy náy buột miệng hỏi “ Vì sao em tốt với chị vậy?”
Bạn trẻ cười lớn và nói: “Chị đừng ngại. Cứ coi như em trả ơn chị hồi mới vào làm ở công ty, khi em không biết gì được chị chỉ bảo dìu dắt về chuyên môn.
Thậm chí có lần chị còn xử lý giúp một sự cố về chuyên môn mà nếu hồi đó không có chị thì chắc chắn em không chỉ bị mất việc mà còn phải đền bù tổn thất lớn cho công ty. Bởi chị đã chỉ ra lỗi thuộc về kỹ thuật do nhà sản xuất sản phẩm mới chứ không phải do em - người vận hành kỹ thuật sai”.
Sếp "lừa" cho vay tiền
30 tuổi đầu anh Hoàng Dương mới có mảnh tình vắt vai. May mắn lại là cô gái Hà thành chính gốc. Rồi duyên lành nên chỉ sau 1 năm tìm hiểu thì cả hai cùng quyết định dọn về ở chung.
Thế nhưng sau khi về ra mắt nhà vợ thì bố mẹ vợ tương lai ra tối hậu thư: nếu có nhà ở Hà Nội thì mới cho cưới. Bởi nếu không thì chỉ là anh kỹ sư "đụt" thì sau này "con gái rượu" ông bà chỉ khổ vì nuôi kẻ ăn bám.
Dù người yêu thuyết phục bố mẹ đẻ trước sau vợ chồng cũng sẽ thu xếp chuyện nhà cửa ở riêng được nhưng mỗi lần đến chở người yêu đi lo chuẩn bị lễ ăn hỏi lại thấy bố mẹ vợ tương lai "bóng gió", anh Dương không khỏi chạng lòng suy nghĩ.
Sau nhiều đêm tính toán, tính cửa xoay xở vay mượn mua nhà, anh vẫn thiếu khoảng 300 triệu để có thể chồng đủ tiền mua căn nhà mới.
Quá bận tâm về việc tính toán mua nhà khiến anh Dương mất ngủ nhiều đêm dẫn đến ngày đi làm phờ phạc. Rồi việc riêng phân tâm là ảnh hưởng đến công việc khiến xảy ra chuyện lớn. Một sơ suất trong soạn thảo hợp đồng công việc với đối tác, anh làm công ty bị đối tác phạt.
Mọi người trong công ty vô cùng ngạc nhiên khi thấy để xảy ra sai sót cho hợp đồng này lại là anh- người vốn chỉn chu và cẩn thận trong công việc từ trước đến nay. Sau khi xử lý sự cố hợp đồng xong, anh được Tổng giám đốc công ty hẹn gặp nói chuyện.
Chuẩn bị sẵn tinh thần "chịu trận" trước cơn giận dữ của sếp- người vốn nổi tiếng nóng tính, anh bước vào phòng gặp sếp với vẻ mặt của người biết lỗi. Thế nhưng, khi gặp sếp cất tiếng hỏi: "Cháu có vấn đề gì về sức khỏe à?" khiến anh lặng người đi ấp úng một lúc lâu không nói nên lời.
Anh Dương kể, không thấy anh trả lời, sếp ôn tồn bảo, gần chục năm anh làm việc tại công ty nên biết rõ anh là người cẩn thận nhưng để xảy ra chuyện lớn như vậy chắc hẳn anh có vấn đề cá nhân. Nếu không phải là sức khỏe thì chuyện gia đình chắc có vấn đề gì lớn, nên muốn biết để xem có thể giúp đỡ được gì không.
Được lời như cởi tấm lòng, lúc đó anh Dương mới kể chuyện tính mua nhà trước khi cưới vợ để vừa lòng bố mẹ vợ tương lai. Sếp anh nói, sẽ cho mượn đủ số tiền đó kèm theo điều kiện anh phải làm cam kết sẽ gắn bó làm việc với công ty ít nhất 7 năm. Còn nếu vi phạm thì ngoài trả đủ số tiền vay sẽ phải chịu phạt theo lãi suất ngân hàng thả nổi cho vay mua bất động sản thời điểm đó.
"Lúc đó nghe vậy tôi mừng như bắt được vàng nên chả nghĩ ngợi được gì nhiều gật đầu làm cam kết luôn. Nhưng sau này khi gần trả hết tiền mượn công ty bằng việc trừ lương thưởng hàng tháng, tôi mới được chị kế toán công ty kể lại là hồi tôi mượn tiền làm gì có chính sách cho nhân viên vay tiền mà chính sếp bỏ tiền túi ra cho mượn.
Nhưng vì thấy tôi khái tính thành ra sếp mới nghĩ ra cách giúp đỡ trên và nhờ chị kế toán thu hộ."- anh Dương bùi ngùi nhớ lại.
Cũng qua chuyện của anh, sau đó chừng 1 năm công ty có ra chính sách hỗ trợ cho nhân viên có thâm niên công tác, gắn bó với đơn vị được vay tiền trong 3 trường hợp: chữa bệnh hiểm nghèo, lập gia đình và vay mua nhà.
Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.
Trong đó nội dung tập trung:
• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?
• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?
• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình.
Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.
Chi tiết TẠI ĐÂY
Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:
H.ThànhBạn đang xem bài viết Những khoản vay may mắn 'từ trên trời rơi xuống' khi mua nhà Hà Nội tại chuyên mục Bất động sản của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].