Như GĐM đã đưa tin, mới đây Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về việc ghi nhận tình trạng di chứng hậu COVID-19. Vậy hậu COVID-19, bệnh nhân có thể đối mặt với các hội chứng gì?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM) chia sẻ: Hội chứng hậu COVID-19 hay hội chứng "long COVID", được hiểu là những di chứng, bệnh lý xuất hiện ở người bệnh F0 sau khi đã được chữa khỏi.
Hội chứng này bao gồm những di chứng thể chất như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, khó thở kéo dài và mệt mỏi. Ngoài ra, nó cũng để lại những di chứng tâm lý như suy giảm nhận thức, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thậm chí là trầm cảm.
COVID-19 thường tấn công mạnh mẽ nhất vào phổi người bệnh và gây ra các tổn thương. Dù những tổn thương này đã được chữa lành nhưng cũng sẽ để lại các mô xơ, gây sẹo rải rác ở phổi. Các sẹo này không thể phục hồi về trạng thái ban đầu. Sẹo trên phổi không thể biến mất, tương tự như sẹo ở trên da. Trong những di chứng hậu COVID-19, chứng xơ phổi để lại ảnh hưởng nặng nề nhất. Xơ phổi gây nên các cơn khó thở, ho khan, ho kéo dài và đau tức ngực.
“Trong bệnh nhiễm trùng nói chung sẽ có hậu nhiễm. Người bệnh nặng phải hồi sức, bị mất sức, suy nhược. Bệnh Covid-19 nặng cũng vậy. Nhóm người này cần phục hồi chức năng, nâng đỡ tinh thần và tẩm bổ nhiều vài tháng đến vài năm”, bác sĩ Khanh nhận định.
Theo chuyên gia này, hậu nhiễm trùng một tác nhân gây bệnh mới, dù tình trạng không quá nặng, nhưng cơ thể cần huy động nguồn năng lượng sản xuất kháng thể. Do đó, người bệnh có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi mất sức, rụng tóc…
Bác sĩ Khanh cho biết, với người cơ địa suyễn, sau cảm cũng có thể nặng thở. Tuy nhiên, hậu Covid-19, nhiều người từ nặng thở sẽ cảm thấy lo lắng, dẫn đến stress. Đồng thời, cảm thấy thắt họng, tê tay, tê chân... Do đó, theo bác sĩ Khanh, điều đáng lo ngại nhất là mọi người hoảng loạn khi gặp các triệu chứng này. Bởi, nhiều F0 có tinh thần yếu, cơ địa trầm cảm, rối loạn lo âu.
Vượt qua di chứng COVID-19 như thế nào?
Bác sĩ Khanh cho biết, người bệnh COVID-19 phải nhận biết triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng để đến bệnh viện kịp thời. Đừng bỏ qua các dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Hội chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Người bệnh có thể làm giảm cơn ho bằng cách tập thở. Thở bụng có chú ý, hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp mỗi đợt 3 - 4 nhịp. Nuốt và ngậm miệng. Sau đó, hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho. Ngoài ra, có thể uống từng ngụm nước ấm, ngậm kẹo. Tránh để khô họng, uống đủ nước. Đồng thời, điều trị dị ứng, trào ngược và suyễn. Người bệnh cũng có thể uống thuốc ho.
Người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng.
Bên cạnh đó, người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà, họ cần có sự chia sẻ, cảm thông của mọi người.
Người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu: nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19 giờ tối.
Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước trong ngày. Thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn, bài trí thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Từ 16/1 đến 29/4, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19" hướng tới trị liệu tâm lý cho 12.000 người bệnh.
Chương trình thực hiện miễn phí các hoạt động: khám bệnh tầm soát; sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu Covid-19; thực hiện chụp X-Quang tim, phổi; thực hiện đo điện tim (ECG); thực hiện siêu âm; phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình; tặng 12.000 phần quà; phát 100.000 tờ rơi với các nội dung về biện pháp nâng cao thể trạng (tự xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống), các biện pháp theo dõi, phòng ngừa tái nhiễm COVID-19.
V.LinhBạn đang xem bài viết Những hội chứng hậu COVID-19 mà các F0 phải đối mặt là gì? Vượt qua như thế nào? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].