Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng.
Do phát hiện muộn, nên tỷ lệ tử vong rất cao trong khi bệnh không khó phát hiện.
Theo GLOBOCAN 2018, với 19.568 ca mắc mới, ung thư gan vượt qua ung thư phổi (16.722 ca) trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta.
Đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới. Đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp.
Nắm được những dấu hiệu, triệu chứng này giúp bạn sớm phát hiện bệnh để điều trị kịp thời.
Triệu chứng và cách phát hiện sớm ung thư gan
Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:
- Chán ăn
- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP)
- Trướng bụng.
- Vàng da, củng mạc mắt,…
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:
- Sụt cân.
- Buồn nôn, nôn.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Trướng bụng.
- Đau, nặng tức vùng HSP.
- Ngứa.
- Vàng da, củng mạc mắt.
- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Phát hiện sớm ung thư gan
Giai đoạn sớm của bệnh thường không có dấu hiệu, người bệnh thường ít chú ý. Tuy nhiên, bệnh không khó phát hiện.
Cách đơn giản, không độc hại là tầm soát bằng siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần, biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…).
Các bác sĩ có thể phát hiện được các khối u tương đối nhỏ.
Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết gan…
(Theo Bệnh viện K)
Bạn đang xem bài viết Những dấu hiệu cảnh báo ung thư gan, nên tầm soát càng sớm càng tốt tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].