Báo Điện tử Gia đình Mới

Những chuyện chưa kể về giáo sư Hồ Ngọc Đại: 'Tôi là kẻ gieo bất hòa'

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ thẳng thắn có một nhà văn gọi tôi là "kẻ gieo bất hòa". Họ còn nói rằng tôi đi đến đâu là lập tức ở đấy chia thành hai phe: Ủng hộ và chống đối.

Chọn đi dạy thay vì theo đuổi quan lộ

Trong Cuộc phỏng vấn do nhà báo Lê Thọ Bình thực hiện, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ thẳng thắn về phượng phương châm làm giáo dục của mình.

  Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của mình.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của mình.

 - Thưa ông, thời bấy giờ ông có một vị thế xã hội cực kỳ thuận lợi: là con rể đương kim Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tại sao ông không đi theo con đường quan lộ mà lại xin đi dạy lớp 1?

GS Hồ Ngọc Đại: Có lần tôi được mời tới để giao cho chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi nói: “Các anh cho tôi đi dạy lớp 1 thôi!”. Họ tròn mắt ngạc nhiên.

Tôi nói: “Làm Thứ trưởng giỏi hơn tôi có, nếu không cỡ hàng trăm cũng vài chục người. Còn dạy lớp 1 giỏi hơn tôi không phải ai cũng làm được đâu”.

Quan niệm của tôi là dứt khoát và rõ ràng: “Đi học về là để dạy người”. Tôi còn nhớ có lần ông Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng - TG) hỏi tôi là “Anh học được cái gì?”. Tôi bảo tôi học được cái nghề.

- Nhưng nếu làm Thứ trưởng và sau này lên Bộ trưởng thì việc đưa CNGD của ông vào áp dụng sẽ thuận lợi hơn không?

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi thích nhất cái lý luận của anh hùng Núp: “Lính Pháp cũng có thể bị bắn chảy máu”.

Tôi cảm động nhất đoạn nhà văn Nguyên Ngọc tả anh Núp bắn thằng lính Pháp chảy máu. Anh hùng Núp sướng quá kêu lên: “Nó đã chảy máu!”. Thế thôi, thế là đủ rồi. Mục đích của tôi là làm cho tất cả các quan niệm về nền giáo dục đương thời mất thiêng.

- Đương thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn có bao giờ chia sẻ về công việc giáo dục với ông không?

GS Hồ Ngọc Đại: Có, ông rất thông cảm. Ông nói những quan niệm của tôi là đúng. Nói chung, với Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi coi ông vừa là lãnh tụ, vừa là người thầy về trí tuệ, vừa là người cha, vừa là người bạn.

Trong gia đình là cha nhưng trao đổi câu chuyện lại là bạn. Khi nói chuyện với tôi, ông luôn luôn thẳng thắn như với bạn bè. Ngay cả việc tôi không nhận chức Thứ trưởng, ông cũng bảo: “Mày đúng!”.

- Ông là người hay nói thẳng, đôi khi rất gay gắt. Vậy có bao giờ ông bị Tổng Bí thư Lê Duẩn quở trách chưa?

GS Hồ Ngọc Đại: Khi mới về nước, tôi có viết một bài đăng trên báo Tổ Quốc. Bài báo đại ý là 4.000 năm qua, Việt Nam như là con thuyền đi giữa dòng sông tĩnh lặng, hai bên có hai bờ.

Nhưng hiện nay con thuyền ấy đã ra đến cửa biển. Vì vậy chỉ có hai cách: hoặc là cắm sào neo lại cửa biển, hoặc là lao ra đại dương. Mà muốn lao ra đại dương thì phải đổi thuyền và thay lái.

Bên tuyên huấn đưa tờ báo cho ông và báo cáo: “Thưa anh, cậu Đại viết lách thế này đây!”. Sau khi xem xong bài báo, ông gọi tôi và bảo: “Nội dung bài báo thì không có vấn đề gì nhưng giọng điệu thì còn tiểu tư sản lắm”. Rồi ông chỉ vào tôi: “Marx ở tuổi này chín lắm rồi chứ không bồng bột như vậy đâu”.

Họ gọi tôi là 'kẻ gieo bất hòa'

- Từ khi ra đời cho tới nay đã gần 40 năm, CNGD luôn chia xã hội thành hai “phe”. “Phe” ủng hộ thì hết lời ca ngợi. “Phe” chống thì phản ứng kịch liệt. Vậy còn “cha đẻ” của công nghệ này – giáo sư Hồ Ngọc Đại thì sao?

GS Hồ Ngọc Đại: Có một nhà văn gọi tôi là “kẻ gieo bất hòa”. Họ còn nói rằng tôi đi đến đâu là lập tức ở đấy chia thành hai phe: ủng hộ và chống đối.

Tôi xin kể một câu chuyện thế này. Nghe có người nói mình nói chuyện hay lắm, giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình mới đưa xe con lên tận Hà Nội mời mình, long trọng lắm.

Suốt buổi sáng nói chuyện, anh chị em giáo viên vỗ tay liên tục, còn các quan chức đầu ngành của tỉnh thì tái xanh mặt mày. Hết buổi, tôi phải ra đi xe đò về Hà Nội. Chỉ thương cho ông giám đốc sở sau đó bị cách chức.

Một lần khác được mời vào trong Thanh Hóa nói chuyện, tôi nói rất nhiều chuyện về hình thành nhân cách.

Sau đó, tôi bảo: “Nếu như chẳng may đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của chúng ta có mệnh hệ gì thì 10 phút sau có 10 ứng cử viên thay thế, còn anh Tấn (nhà sử học Hà Văn Tấn - TG) bạn tôi đang ngồi kia có mệnh hệ gì xảy ra thì 10 năm sau chưa chắc đã có người thay”.

Tôi biết không phải ai cũng lọt tai cách nói như vậy. Thực ra thì mục đích của tôi là muốn làm mất thiêng những quan niệm cũ đi, rồi trên cơ sở đó mình mới xây dựng cái mới.

- Ông có nghĩ rằng đa số các quan chức thời bấy giờ không hiểu nổi việc làm của ông không?

GS Hồ Ngọc Đại: Thực ra họ đều cảm nhận được cuộc sống này phải khác đi, có điều họ không dám nói ra thôi.

Năm 1985, tôi vào dự giờ của một cô giáo ở Long An, mình khen cô ấy dạy tốt bởi cô này giảng dạy có phương pháp sư phạm.

Cậu trưởng phòng mới bảo: “Thầy ơi, thầy khen thật đấy chứ?”. “Ừ, khen thật”. “Vậy thì chốc nữa lên tỉnh, lên huyện, thầy đừng khen”.

Mình hỏi làm sao thì được biết chồng cô đang cải tạo.Sau đó, tỉnh Long An tổ chức buổi nói chuyện cho 500 giáo viên. Mình nói thế này: “Chúng ta sống trong hoàn cảnh đất nước thống nhất rồi. Nếu có sai lầm thì chỉ có một việc họ sai lầm, chỉ có một thế hệ sai lầm thôi, còn mấy trăm thế hệ trước họ vì đất nước này.

Đất nước này tồn tại vì có cả các thế hệ đó. Tất cả trẻ em sinh ra trên đất nước này, bất kể ở đâu đều được quyền bình đẳng và cơ hội học tập như nhau.

Không có nền giáo dục dành riêng cho con em quan chức!”.

GS Hồ Ngọc Đại từng bị vợ chê trách vì quan tâm nhiều đến học sinh hơn cả con trai mình

Nhà thơ Dương Xuân Nam (bút danh Dương Kỳ Anh) cũng có một bài viết về quan điểm giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Sau đây là góc nhìn của ông Dương Xuân Nam rất đa diện về quan điểm giáo dục gây nhiều tranh cãi của "cha đẻ" trường Thực nghiệm: 

Khi ông lập ra Trường Thực nghiệm, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối.

Người ủng hộ coi đó là cách giáo dục hiện đại, nhưng những người phản đối lại nói rằng con người, nhất là các em nhỏ, có phải là 'đồ vật' đâu mà mang ra 'thực nghiệm'.

  Giáo sư chia sẻ phụ huynh không nên quá áp đặt cứng nhắc với trẻ con.

Giáo sư chia sẻ phụ huynh không nên quá áp đặt cứng nhắc với trẻ con.

Khi hỏi ông rằng phương pháp mà ông dạy học trò ở Trường Thực nghiệm, ông có dạy con mình không? Ông bảo: "Tất nhiên! Tôi không khen, không chê, không phạt con bao giờ. Tôi dạy con là dạy theo cái tự nhiên của nó, tạo mọi điều kiện để cái tự nhiên của con mình phải là cái tự nhiên. Cái quan trọng nhất mà tôi dạy con không phải học để kiếm tiền, để làm ông này bà nọ mà để làm một con người lương thiện" 

Ông nhớ đến lời dạy của Khổng Tử 'Nhân chi sơ, tính bản thiện'. theo lời Khổng Tử, con người khi sinh ra vốn bản tính lương thiện chăng? Hay nói cách khác, bản tính tự nhiên của con người là lương thiện?

Và GS Hồ Ngọc Đại muốn để cái bản tính lương thiện này phát triển tự nhiên? Dạy con theo cách 'khác người' của ông là tuyệt đối tuân theo bản tính tự nhiên tự có trong con người?!

Nghĩa là ông không hề áp đặt mà tuân thủ bản tính tự nhiên của con người, từ đó hướng cho con em mình phát triển đúng với các quy luật tự nhiên, khách quan chứ không hề theo sự chủ quan, mong muốn (dù là những mong muốn tốt đẹp nhất) của những bậc làm cha, làm mẹ.

Cái khác người của ông về dạy con nếu hiểu thấu đáo, xem ra cũng mới mẻ và có lý đấy chứ!

Đến thăm ông tại trụ sở của Trung tâm Công nghệ giáo dục do ông làm Giám đốc.

Dù nghe tiếng ông đã lâu, cũng nghe nhiều đến phương pháp dạy học của ông, điều mà nhiều người cho là rất hay, cũng có người cho là 'ảo tưởng'.

Trường Thực nghiệm Giảng Võ và các phương pháp dạy học trò ở đó phần nhiều là từ ông. Ông được coi là cha đẻ của Công nghệ Giáo dục.

Trường Thực nghiệm Giảng Võ đã có những học sinh mà sau này trở nên nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu. Chẳng thế mà báo chí có lúc loan tin người ta chen nhau nộp đơn vào đây cho con học đến mức xô đổ cả cổng trường!

GS Hồ Ngọc Đại có một người con trai duy nhất tên là Hồ Thanh Bình, sinh năm 1973. Thanh Bình học luật ở Nga, rồi làm thạc sỹ, giờ đang làm tiến sỹ.

Bình học giỏi nên khi tốt nghiệp đã có ba nơi xin về làm việc, nhưng Hồ Thanh Bình đã chọn Viện Khoa học Giáo dục và bây giờ Thanh Bình đang là Trưởng phòng.

Trò chuyện với tôi qua điện thoại, Hồ Thanh Bình kể rằng: "Hồi nhỏ, vào các ngày chủ nhật bố cháu thường dẫn cháu vào vườn bách thú hay công viên chơi, cháu rất thích, được tự do chạy nhảy, thăm thú trong đó, nơi mà trong trí tưởng tượng của tuổi thơ là cả một thế giới muôn màu muôn vẻ…

Bố mẹ cháu luôn tôn trọng cháu, không hề áp đặt điều gì, chỉ khuyên cháu lớn lên cố gắng làm một con người lương thiện …".

GS Hồ Ngọc Đại kể, có lần vợ ông (bà Lê Tuyết Hồng, con gái thứ ba của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) bảo ông: "Nhà mình chỉ có một đứa con mà anh chẳng chịu kèm cặp gì nó cả …". Ông bảo vợ: "Tôi lo cho cả triệu học sinh chứ đâu chỉ riêng mình nó...", thế là bà giận ông tới mấy ngày.

Khi tôi hỏi ông dạy con ở nhà và dạy học trò ở trường khác nhau chỗ nào? Ông bảo: "Tôi không dạy con cái gì ở nhà cả, con tôi đến Trường Thực nghiệm học như các trẻ em khác. Học sinh ở Trường Thực nghiệm học như thế nào thì con tôi học như vậy".

Năm 1978, ông thành lập Trường Thực nghiệm. Ông nói, theo phương pháp giáo dục của ông trẻ em chỉ học một năm thôi là đọc thông viết thạo.

Thấy tôi có vẻ chưa hiểu lắm, ông giải thích rằng 'công nghệ giáo dục' của ông ví như người công nhân làm việc trong nhà máy, làm việc trên dây chuyền sản xuất liên tục, có thể kiểm soát được sản phẩm từ đầu đến cuối…

Học sinh học ở đây là tự học hết, giáo viên chỉ hướng dẫn quá trình tự học, hướng dẫn học sinh tự làm lấy bài vở… thầy không gân cổ lên giảng, học sinh không phải cố hết sức mình...

Khi tôi đưa các bài toán về đại số vốn được dạy cho sinh viên đại học xuống dạy cho học sinh lớp 1, người ta bảo tôi muốn làm cho trẻ em loạn trí à? Thế mà trẻ em lớp 1 học được đấy!" - Ông hào hứng bảo tôi.

Trước đây, tôi nghĩ, có lẽ ông là con rể của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nên người ta nể ông, nếu không, phương pháp thực nghiệm, công nghệ giáo dục của ông khó mà tồn tại.

Hóa ra tôi đã nhầm, càng ngày, công nghệ giáo dục mà ông khởi xướng càng trở nên cần thiết cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

3 nguyên tắc của công nghệ giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại khởi xướng:

Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Công nghệ giáo dục được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó.

Do đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ.

Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học bộ sách này thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.

Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ SGK Tiếng Việt CGD.

Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật

GS Hồ Ngọc Đại nói: "Nếu so với thế giới, nền giáo dục của chúng ta quá lạc hậu. Tôi có thể nói thế này: Vào thời điểm này từ cuộc sống, tất cả các ngành, các nghề của con người và xã hội đã biến đổi rất lớn so với cách đây 15-20 năm, nhưng nghiệp vụ sư phạm của chúng ta thì từ nửa thế kỷ nay không thay đổi gì cả.

Thậm chí còn tệ hại hơn trước vì trước là thầy giảng, trò ghi nhớ nhưng bây giờ là thầy đọc, trò chép.

Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật. Có thể nói thành lời, nhưng không ai cảm thấy rằng trẻ con là máu thịt của mình, không ai cảm thấy đứa con đau khổ chính là mình đau khổ.

Và không thấy được sự tối ưu của mỗi giai đoạn khác nhau. Hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy đều có phương pháp dạy giống như nhau".

  Vị giáo sư bày tỏ quan điểm thẳng thắn về nền giáo dục nước nhà.

Vị giáo sư bày tỏ quan điểm thẳng thắn về nền giáo dục nước nhà.

Vậy, nền giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào? -Tôi hỏi. GS Hồ Ngọc Đại nói ngay: “40 năm nay tôi đã nói rồi. Nay câu trả lời vẫn vậy thôi. Phải thay đổi toàn bộ, thay đổi về nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức, các quan hệ trong nhà trường và quan hệ xã hội.

Lớp học ngày xưa là “nhà thờ” nhưng lớp học hiện đại phải là “cuộc sống”, giáo viên giao việc, học sinh làm. Điều quan trọng nhất là phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và Đại học. Và phải làm mới hoàn toàn.

Thứ nhất, bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng... có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp 1 chúng hạnh phúc thì cả chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình dễ yên ấm, xã hội dễ yên lành.

Thứ hai, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho trung học cơ sở và 2 năm cho trung học phổ thông. Vì sao bậc tiểu học lại dành tới 6 năm? Vì giữ trẻ 12 năm (6 tuổi bắt đầu đi học + 6 năm tiểu học) trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1 năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay.

Còn 3 năm trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay.

Và chỉ cần học thêm 2 năm PTTH cho những ai muốn học lên cao nữa hay vào Đại học, Cao đẳng hay chuyển sang học nghề vì với sự phát triển tâm lý xã hội hiện đại, học phổ thông kéo dài đến 18 tuổi là thừa, tốn kém."

“Vậy, còn bậc đại học thì sao?"- tôi hỏi. GS Đại trả lời: “Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế.

Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận.

Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở tiêu thụ nội địa là một bằng đại học trâu ta ăn cỏ đồng ta, chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”

Vị Giáo sư già luôn coi trẻ em là trung tâm.

Tuy ông đã ở ngưỡng cửa của tuổi 80, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công nghệ giáo dục, với sự nghiệp "trồng người" đang biến đổi từng ngày trên đất nước ta.

  Vị giáo sư có tình yêu đặc biệt với trẻ em.

Vị giáo sư có tình yêu đặc biệt với trẻ em.

Ông kể rằng, hồi còn nhỏ con trai ông đã chia cả cân đường mà bố mẹ dành dụm được cả tháng cho trẻ em hàng xóm.

Khi lớn lên cũng vậy, có gì cũng mang đi chia cho các bạn. Vợ ông đi nước ngoài về mua cho con một cái áo 500 đô la Mỹ, làm quà cho con trai.

Nó thích lắm, nhưng khi các bạn đến chơi xin mặc thử, thằng bé đã vui vẻ cho cậu bạn chiếc áo ấy, khi thấy bạn mặc vừa hơn mình.

Nhà tôi xót lắm nhưng không dám nói gì, còn tôi, tôi mừng thầm vì biết con trai mình đã thực sự là người hảo tâm, lương thiện như những gì mà mình mong đợi - Ông vui vẻ kể.

Trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức vừa rồi ở Văn Miếu, tôi thấy ông nhanh nhẹn đi lại giữa những nhà thơ, nhà văn, sôi nổi trò chuyện.

Tôi biết ông là người yêu văn chương và có lẽ ông đã tìm thấy cái cốt lõi nhất là tính nhân văn trong đó để đưa vào "Công nghệ giáo dục" của ông mấy chục năm qua.

Nguyễn(t/h)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính