Lừa trúng thưởng qua điện thoại
Bỗng dưng bạn được thông báo qua tin nhắn Facebook, điện thoại về việc trúng thưởng xe máy SH, iPhone, tiền mặt hàng trăm triệu đồng dù chẳng bao giờ tham gia chương trình quay số trúng thưởng nào…
Bạn chỉ phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng.
Đây là hành vi lừa đảo, bạn tuyệt đối không tiến hành giao nộp tiền cho đối tượng thông qua các hình thức nạp thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Hãy tham khảo thông tin kỹ, từ nhiều nguồn (Internet, bạn bè, hỏi kĩ địa chỉ cơ quan trao thưởng, địa chỉ trao…).
Bạn có thể nhờ người quen sống gần địa chỉ trên qua xác nhận xem công ty đó tồn tại hay không, thông tin khách hàng trúng thưởng có tên mình không…
Thậm chí, chỉ vài thao tác đơn giản: Gõ số điện thoại, địa chỉ này lên, sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin cảnh báo lừa đảo trước đó.
Thông báo nợ cước điện thoại
Kẻ lừa đảo dạng này thường dùng hộp thư thoại hoặc gọi trực tiếp đến số cố định để nhắc nợ cước với số tiền lớn, yêu cầu phải thanh toán ngay nếu không sẽ tạm cắt dịch vụ, khởi kiện ra tòa.
Tinh vi hơn, chúng còn dùng đầu số bán hàng 18001166 của VNPT để dễ chiếm được lòng tin của khách hàng.
Đại diện VNPT cảnh báo số 18001166 của VNPT là tổng đài bán hàng qua điện thoại, chỉ tiếp nhận các cuộc gọi đến không bao giờ phát sinh các cuộc gọi đi. Vì vậy, tất cả các cuộc gọi đến điện thoại cố định nhắc nợ cước hiển thị số 18001166 đều là giả mạo.
Hãy báo ngay cho cơ quan công an khi có nghi ngờ. Không nên tự mình xử lý vì dễ sập bẫy lừa đảo của tội phạm.
Công an thông báo liên quan đến rửa tiền
Những kẻ lừa đảo thường gọi điện thoại xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền lớn, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Nếu không sẽ bị phạt tù.
Tinh vi hơn, chúng không cần xưng danh mà cho số điện thoại bảo nạn nhân gọi hỏi trực tiếp tổng đài 1080 để biết chúng là ai.
Thực ra cả trường hợp này và thông báo nợ cước điện thoại, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng.
Trường hợp này, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy ngay lập tức vì đây là thông tin lừa đảo.
Người thân bị hại
Những đối tượng này thường gọi điện đêm hôm thông báo người thân (vợ chồng, con cái…) bị nạn, yêu cầu người nhà tới gấp. Địa điểm thông báo thường là khu vực hẻo lánh, vắng người. Chúng sẽ mai phục sẵn để cướp tài sản.
Nếu gặp trường hợp này, đầu tiên hãy gọi điện thoại ngay cho người thân và những người quen của người thân đó.
Trong trường hợp quá lo lắng cho người thân mà không gọi điện được cho họ, hãy rủ thêm vài người nữa cùng. Tuyệt đối không được cập nhật tình hình mình đi đến đâu rồi cho bất kì ai.
Tặng quà bị hải quan giữ
Nhiều nạn nhân sập bẫy vì chiêu trò cũ rích này. Chúng thường xưng danh là người nước ngoài, đang định cư ở nước Anh, Mỹ tìm rồi làm quen, tán tỉnh nhiều phụ nữ.
Sau một thời gian “yêu đương”, chúng sẽ hào phóng đề nghị gửi tặng một thùng hàng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tiếp đó là một người Việt giả danh là nhân viên chuyển phát của bưu điện trực tiếp gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí vào tài khoản ngân hàng để nhận hàng.
Hoàng HiệpBạn đang xem bài viết Những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại người dân nhất định phải biết tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].