Như Gia Đình Mới đã đưa tin, chiều 22/3, do không đồng ý trực nhật, em Nguyễn Thị H.Y - học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã bị nhóm nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng vô cùng dã man ngay tại lớp học. Vụ việc này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới về tính pháp lý của sự việc, Thạc sĩ Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng: Vụ việc có dấu hiệu hình sự của tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm.
Còn đối với người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được biệt kê tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật hình sự trong đó có Tội cố ý gây thương tích được quy định tại khoản 4, điều 134 Bộ luật hình sự.
Bởi vậy, cơ quan cảnh sát điều tra cần thu thập thông tin về giấy khai sinh của 5 học sinh đã có hành vi hành hung nữ sinh nêu trên để xác định rõ ngày, tháng, năm sinh xem đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa, và đồng thời tiến hành giám định thương tích của nạn nhân để xác định hậu quả của vụ việc làm căn cứ đánh giá, xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 và điều 134 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017.
Với Tội làm nhục người khác thì chỉ xử lý đối với những đối tượng đã từ đủ 16 tuổi.
Còn trường hợp đủ 16 tuổi rồi mà thương tích của nạn nhân dưới 11 % nhưng trường hợp này là có tính chất côn đồ nên vẫn xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích đối với những đối tượng đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng để giáo dục đặc biệt với những đối tượng này, thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội.
Luật sư Cường nêu quan điểm: Trong vụ việc trên thì cả một nhóm học sinh xông vào đánh một em, hành động vô cùng tàn bạo có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của em học sinh này, đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Không những thế, một số người lại còn ghi hình rồi chia sẻ trên mạng xã hội, tiếp tục là một hành vi vi phạm pháp luật, làm nhục người khác.
Bởi vậy cần xem xét làm rõ trách nhiệm hình sự từ yếu tố chủ thể và căn cứ và hậu quả mà các đối tượng này đã gây ra cho nạn nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ trẻ em, Bộ giáo dục và chính quyền địa phương cần kịp thời vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để em học sinh này được an toàn và cứu chữa kịp thời.
Khi có tỷ lệ thương tích của nạn nhân và có căn cứ xác định độ tuổi của các đối tượng côn đồ, hung hãn nêu trên thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng đã đánh em học sinh này và phát tán clip trên mạng xã hội về các tội danh như tội Cố ý gây thương tích và tội Làm nhục người khác (Với đối tượng đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự).
Vụ việc này vô cùng đau xót, bức xúc, phẫn nộ ở chỗ nạn nhân đã kêu cứu, gào thét như vậy mà không có ai cứu giúp kể cả các bạn học sinh lẫn thầy cô giáo. Đau đớn hơn là thông tin các học sinh cho biết đây không phải là lần đầu....!
Điều này chứng tỏ môi trường học đường này đang có vấn đề, việc giáo dục hình thành nhân cách của các em như vậy là không đạt hiệu quả. Việc sử dụng bạo lực, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh ngay tại trường học là một minh chứng điển hình cho sự xuống cấp trong giáo dục, bộc lộ trình độ nhận thức pháp luật yếu kém cũng như đạo đức xuống cấp của một bộ phận học sinh hiện nay.
Trong vụ việc này giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường không thể vô can. Giáo viên quản lý lớp và lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của học sinh bởi đây là kết quả đào tạo, giáo dục nhân cách của nhà trường trong thời gian qua.
Nếu có căn cứ xác định vụ việc này diễn ra không chỉ lần đầu thì việc cách chức hiệu trưởng, kỷ luật những giáo viên có liên quan, các cán bộ quản lý giáo dục ở nơi đây là điều khó tránh.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường thì trước tiên cần làm trong sạch bộ máy quản lý giáo dục, lựa chọn giáo viên có chất lượng, có trình độ, đạo đức xứng tầm với nghề cao quý.
Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục ý thức, nhận thức về pháp luật cũng như giáo dục ý thức tôn trọng cộng đồng, tôn trọng người khác cho học sinh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật vi phạm đạo đức, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các em học sinh.
Trường hợp nào đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý và tuyên truyền để răn đe, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng văn hóa từ chức và quy trách nhiệm người đứng đầu. Trong trường hợp các trường học để xảy ra tình trạng bạo lực học đường như vậy thì hiệu trưởng của trường này và cán bộ quản lý giáo dục địa phương nên từ chức để thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng.
Có thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy thì mới mong đầy lùi được nạn bạo lực học đường cũng như bảo vệ tốt hơn đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của học sinh.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Nhóm nữ sinh lột đồ, đánh hội đồng bạn ở Hưng Yên sẽ bị xử lý thế nào? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].