Nhiều người đang ăn chay sai cách dẫn đến thiếu chất, suy kiệt cơ thể

"Tôi rất không đồng tình với những người cực đoan, đẩy tất cả những người không ăn chay vào nhóm thiếu hiểu biết, thậm chí gọi người ta là ngu dốt".

Trong bài viết này, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Paris (Pháp) đã đưa ra những quan điểm của mình về việc ăn chay thế nào cho đúng để cải thiện sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng

Được sự đồng ý của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết.

Có nên cho trẻ nhỏ ăn chay?

"Bản thân tôi cũng hay và rất thích ăn chay, ngày càng giảm bớt lượng thịt, cá và các loại đạm động vật khác. Lý do một phần vì tôi hướng theo nhóm bảo vệ môi trường và một phần vì nghĩ ăn uống cân đối, ít đạm động vật thì tốt cho sức khoẻ hơn. 

Nhưng tôi rất không đồng tình với những người cực đoan, đẩy tất cả những người không ăn chay vào nhóm thiếu hiểu biết, thậm chí gọi người ta là ngu dốt. 

Đọc về ăn chay ở Việt Nam hiện nay, thì thấy một số người còn nuôi cả trẻ con bé tý theo phương pháp ăn chay nữa. Đây là điều tôi rất băn khoăn. 

Vì tôi nghĩ đối với trẻ con, đặc biệt là trẻ bé, thì nên cẩn trọng. Mọi thứ nghiên cứu đều có những thứ có thể sẽ thay đổi vào một ngày nào đó. Hôm nay tốt, ngày mai người ta có thể phát hiện ra cái gì đó không tốt thì sao? 

Trí não, cơ thể của trẻ con cần nhiều vi chất, cũng như vitamin, muối khoáng, chất đạm, đường… để phát triển và hoạt động. Ai đảm bảo được ăn chay hoàn toàn có thể giúp trẻ vẫn phát triển tốt đây? 

Theo rất nhiều nghiên cứu thì chế độ ăn chay hoàn toàn, nghĩa là không có bất kì sản phẩm nào liên quan đến động vật, rất dễ bị thiếu sắt và đặc biệt là thiếu vitamin B12, canxi, magie và một số chất vi lượng, chất khoáng khác cũng có thể bị thiếu. 

Vậy nên, đối với trẻ nhỏ, tôi vẫn muốn khuyên cha mẹ nên nuôi con cân đối, vẫn có đủ các thành phần, có thể là rất ít nhưng đừng cắt hẳn thịt cá và các loại đạm động vật khác, tối thiểu vẫn nên giữ lại trứng và các sản phẩm từ sữa. Miễn là chọn được đồ sạch là được rồi. 

Thêm nữa, tôi vẫn nghĩ, lựa chọn lối sống cân đối, ăn đồ sạch, an toàn, tiêu dùng vừa phải, tôn trọng và bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với xã hội… là những gì mà cha mẹ cần dạy con. Và cha mẹ cũng chỉ nên xây dựng cho con cái nền đó thôi, còn việc dứt khoát đi theo con đường nào, ăn mặn, ăn chay hoàn toàn hay một phần… thì nên để cho con lớn lên tự lựa chọn. 

Vì lúc còn nhỏ, lối ăn, lối sống cũng có ảnh hưởng nhiều đến quá trình xã hội hoá của con. Chúng ta đang sống trong xã hội mà số người ăn thịt, cá/ thức ăn có nguồn gốc động vật chiếm đa số. Vì vậy tôi vẫn nghĩ nên lựa chọn cho con con đường mở lúc nhỏ, để có thể sống chan hoà trong xã hội, không quá cách biệt, không quá khác với bạn bè, sống được ở trường, ăn được đồ ăn căng tin với bạn bè… 

Lớn lên, ít nhất là đến khoảng 18 tuổi, là lúc mà trí não/hệ thần kinh, hệ thống cơ, tâm vận động... trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh. Đó cũng là lúc trẻ đã trưởng thành, biết tự chủ rồi, thì con tự quyết định cũng chưa muộn. 

Cha mẹ nên nuôi con cân đối, với chế độ dinh dưỡng có đủ các thành phần để trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh

Cha mẹ nên nuôi con cân đối, với chế độ dinh dưỡng có đủ các thành phần để trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh

Ăn chay sao cho đủ chất? 

Có nhiều trường phái ăn chay khác nhau, thời gian gần đây ở Việt Nam nổi lên phong trào ăn uống thực dưỡng Ohsawa. Nhưng tôi thấy có một số người hiểu lầm rằng ăn chay thực dưỡng Ohsawa là đơn thuần ăn cơm gạo lứt với muối mè.  

Theo tôi tìm hiểu, ăn thực dưỡng Ohsawa dựa vào chế độ ăn uống cân bằng, hài hoà, dựa trên các thành phần chính là ngũ cốc toàn phần và rau củ quả đúng mùa vụ, trồng theo lối tự nhiên sạch không hoá chất. Như vậy là cần/có thể phối hợp nhiều loại ngũ cốc toàn phần khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là mỗi gạo lứt và muối mè. 

Phương pháp này mục đích để ổn định lại hệ vi khuẩn tốt trong đường tiêu hoá nói chung và đường ruột nói riêng, có thể áp dụng dài hạn hoặc ngắn hạn tuỳ trường hợp. 

Dù ăn theo phương pháp nào thì giữ một chế độ ăn uống cân đối, hài hoà, đủ chất, đủ calo là rất quan trọng. Đối với những người hoạt động thể chất cũng như tinh thần nhiều, hoặc làm công việc nặng nhọc, hoặc đang cho con bú, hoặc có bệnh mãn tính, hoặc thể trạng gầy yếu,… thì điều này càng quan trọng hơn nữa. 

Ví dụ bên Pháp và nhiều nước châu Âu khác cũng có nhiều hội ăn chay, do niềm tin tôn giáo cũng có nhưng theo tôi  biết chủ yếu là với mục đích để bảo vệ sức khoẻ  hoặc bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật… 

Nếu không vì yếu tố tôn giáo thì ăn chay bảo vệ sức khoẻ hoặc bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật dễ thực hiện hơn. Bởi họ không (hoặc ít khi) loại bỏ sữa và các thành phẩm từ sữa, trứng, một số nhóm ăn chay chỉ bỏ thịt còn vẫn giữ lại cá… Nhờ những thứ này, người ăn chay đỡ bị thiếu chất hơn. 

Thêm nữa khi ăn chay, nhiều người dùng thêm một số khoáng chất, vitamin, viên sắt, canxi, magie… 

Trên trang website của các hiệp hội ăn chay thường có rất nhiều hướng dẫn ăn chay sao cho đủ chất và cân đối, bảo vệ sức khoẻ, ăn thế nào cho ngon miệng, chế biến món ăn thế nào cho cân đối, khoa học, hài hoà, hấp dẫn… 

Trên các trang này cũng có thể tìm thấy rất nhiều các bảng biểu về các chất cần có, nhu cầu hàng ngày và nguồn cung cấp từ các thực phẩm ăn chay… 

Một phần nữa, để đảm bảo ăn chay không hại sức khoẻ, tôi nghĩ mỗi người, nhất là đối với những người có bệnh, bệnh càng hiểm nghèo thì càng phải chú ý, cần theo dõi sức khoẻ cẩn thận, quan sát sự chuyển biến của cơ thể và thỉnh thoảng nên đi làm xét nghiệm máu, khám sức khoẻ tổng thể để có thể điều chỉnh kịp thời khi cần. 

Chế độ ăn cần đủ chất, cân đối giữa các nhóm thức ăn và cần chú trọng việc sử dụng đồ ăn sạch

Chế độ ăn cần đủ chất, cân đối giữa các nhóm thức ăn và cần chú trọng việc sử dụng đồ ăn sạch

Vì sao tôi nhấn mạnh việc cần thận trọng và chú ý đủ chất? 

Điều này một là xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân tôi đã từng quan sát người thân ăn chay. Và lúc còn nhỏ con tôi cũng ăn rất ít thịt cá. 

Khi đó, tôi luôn tìm tòi các chế độ ăn cho con tôi và cho người thân sao cho vẫn đủ chất, cân đối giữa các nhóm thức ăn. Và tôi rất chú trọng việc sử dụng đồ ăn sạch, hoặc đồ ăn đạt chuẩn tốt nhất có thể được. 

Hai là câu chuyện của một người bạn cách đây ba năm đã từng suýt phải bỏ mạng vì ăn chay không đúng cách. 

Sau khi phát hiện bị ung thư vú, bạn tôi đã đi phẫu thuật và trị liệu ở một nước châu Âu ổn định. Trở về Việt Nam, chị ấy nghe nhiều bạn bè giới thiệu phương pháp ăn chay chữa bệnh và đã thực hiện theo. Vì nhà có điều kiện nên chị đặt gạo lứt sạch từ nước ngoài về và vừng đen thì trồng tại trang trại của gia đình. 

Vì tin vào kinh nghiệm của một số người đã từng chữa bệnh qua ăn chay và cũng tin vào đồ ăn sạch của gia đình, chị đã thực hiện ăn chay triệt để ngày ba bữa cơm gạo lứt muối vừng đen. Thêm vào đó là một ít hoa quả dưới sự hướng dẫn của một người tự xưng là chuyên gia thực dưỡng. 

Vì có con nhỏ và vẫn đi làm nên chị gầy dần và kiệt sức dần. 8 tháng sau khi thực hiện ăn chay người chị chỉ còn da bọc xương, bị rối loạn kinh nguyệt và mất hết cảm giác trong quan hệ vợ chồng, luôn cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức chân tay, ngủ không ngon giấc... 

Mặc dù cơ thể có những biến đổi không tốt nhưng chị vẫn cố gắng theo chế độ ăn đó một cách triệt để. Vì theo lý thuyết của một số người, làm như vậy có thể “bỏ đói” được tế bào ung thư. 

Chồng chị khuyên thế nào cũng không nghe, mẹ khuyên nhủ khóc lóc chị cũng không nghe... vì chị kể là lúc đó chị rất sợ chết nên chị bám vào ăn chay chữa bệnh như một cái phao để sống. 

Đến một hôm chồng mang con đi về nhà nội có việc, chị ở nhà một mình, mẹ chị tới chơi, bấm chuông mãi không thấy mở cửa phải gọi hàng xóm phá cửa giúp thì thấy chị ngất ngã lăn trong nhà vệ sinh.

Gia đình đưa chị đi cấp cứu được bác sĩ cho biết chị đã bị suy kiệt hết mức rồi, nếu không thay đổi kịp thời sẽ chết. Và  bác sĩ truy hỏi thế nào cũng không dám khai rõ là do ăn thực dưỡng sợ bị bác sĩ mắng. 

Điều trị tạm thời ổn định ở bệnh viện, bác sĩ nói có khả năng ung thư bị tái phát thì chị xin về nhà tự điều trị vì bản thân đã biết nguyên nhân do ăn uống quá kham khổ. 

Khi đó, chị quay trở lại chế độ ăn uống gần như bình thường, uống bổ sung các khoáng chất, xét nghiệm máu thiếu chất gì thì bổ sung chất đó. Sau khi cơ thể hồi phục một phần thì chị đã đi chữa ung thư tái phát một lần nữa. 

Từ đó, chị vẫn ăn chay một phần và rất chú ý sao cho đủ chất. Cùng với chế độ ăn cân đối chị còn tập luyện yoga, hít thở, dưỡng sinh, sống cuộc sống bình ổn nhất có thể được nên sức khoẻ cũng khá tốt và bệnh ung thư cũng “ngủ yên” được  hơn một năm rồi. 

Để kết luận bài này, tôi chỉ muốn nói, là chọn chế độ ăn nào là quyền và mong muốn của từng người. Nhưng hãy dành thời gian tìm hiểu thông tin, phân tích kinh nghiệm của người khác một cách tỉnh táo để tìm được cách phù hợp nhất với bản thân, sức khoẻ, hoàn cảnh riêng của mình, đừng chạy theo trào lưu và hãy thực hiện một cách mềm dẻo".

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính