Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn, chứng tỏ lãnh đạo Bệnh viện đó ở bẩn'

Xuống cấp, xập xệ, thiếu vệ sinh… là những hình ảnh nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi nhớ tới nhà vệ sinh của bệnh viện. Dường như không chỉ bác sĩ, bệnh viện phải làm việc hết công suất mà chính nhà vệ sinh bệnh viện cũng đang quá tải.

Đó cũng là bài toán nan giải mà sắp tới đây Bộ Y tế sẽ tiến tới giải quyết để hoàn thành trách nhiệm chăm sóc toàn diện người dân. 

Sáng 18/5, trong Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh, “thời gian tới, nếu bệnh viện nào vẫn tồn tại nhà vệ sinh bẩn, tôi sẽ quy cho trưởng khoa đó ở bẩn, có nhiều khoa có nhà vệ sinh bẩn, tôi sẽ cho rằng Giám đốc Bệnh viện đó ở bẩn”.

Một nhà vệ sinh bệnh viện được ghi nhận ngày 18/5/2018

Một nhà vệ sinh bệnh viện được ghi nhận ngày 18/5/2018

Nhà vệ sinh: Nỗi kinh hãi của bệnh nhân khi nghĩ về bệnh viện

Bác N.M. K (Cầu Giấy, Hà Nội) bị bệnh cao huyết áp, khoảng 5 năm trở lại đây, bác thường xuyên phải lui tới bệnh viện. Với bác, ngoài câu chuyện chờ đợi, mua thuốc, khám xét… nỗi sợ hãi lớn nhất của bác K. là phải vào nhà vệ sinh.

“Nhất là vào mùa hè, trời nóng bức, bước vào mà sàn nhà ướt nhẹp nhớp nhúa, rác thải bừa bãi, bệ xí ố vàng, bốc mùi rất kinh khủng. Có những lần, tôi vào đến nơi, người đi trước còn vất giấy bừa bãi, không xả nước. Mùa nóng mà vào nhà vệ sinh bệnh viện, có khi tôi còn ốm hơn”. 

Theo ghi nhận của PV Gia Đình Mới hầu hết các Bệnh viện đều sở hữu những nhà vệ sinh ám ảnh. Hiện nay, dù cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp nhưng một phần do ý thức người dân kém đã khiến cho những nơi này thành nỗi kinh hoàng của chính họ và nhân viên y tế làm việc. 

Ghi nhận tại Khoa Khám Bệnh một bệnh viện lớn ở Hà Nội ngay sáng 18/5, vòi nước trong nhà vệ sinh bị hỏng, được buộc tạm bằng núi nilon. Chưa kể, mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến vừa bước vào, người  dân phải lập tức đối diện với cảm giác buồn nôn, khó chịu. Hầu hết bệnh nhân hay người nhà, khi có nhu cầu đi vệ sinh đều nhanh nhanh, chóng chóng để sớm “thoát” khỏi đó. 

Ths. Bs Nguyễn Viết Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương chia sẻ: “Tình trạng bệnh nhân đi khám kéo theo 3 - 4 người nhà đi cùng không chỉ khiến gia tăng tình trạng quá tải bệnh viện mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới vấn đề chúng ta đang nêu. Đặt giả sử như với Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhân khám nhưng kéo theo đó khoảng 4.500 - 5.000 người, bao gồm cả người thân và nhân viên y tế. Vì thế, quá tải bệnh viện, quá tải nhà vệ sinh là điều khó tránh khỏi”.

Thế nhưng, cùng với đó, không có nhiều bệnh viện coi trọng đến nhà vệ sinh bệnh viện: Có những nơi, nhà vệ sinh chưa phân nam - nữ, nhà vệ sinh nhân viên y tế không có bồn rửa tay, không có xà phòng.

Ý thức người dân cùng ý thức nhân viên y tế đã đẩy bài toán nhà vệ sinh bệnh viện trở nên phức tạp.

Nói về câu chuyện này, trong Hội nghị “giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng  bày tỏ quan điểm: “Con người có tứ khoái, từ ăn mặc, ngủ nghỉ cho đến chuyện đi vệ sinh. Đến nhà ai, không phải người ta giới thiệu phòng ngủ, phòng khách mà người ta sẽ chỉ cho khách nhà vệ sinh. Bệnh viện cũng vậy, nhà vệ sinh là nơi quan trọng nhất, giải quyết nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân. Thế nhưng hiện nay, nói đến nhà vệ sinh, người bệnh chỉ thấy kinh hãi”.

"Người bệnh kém hài lòng nhất về tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện" là kết quả khảo sát hài lòng người bệnh do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện 

Bệnh viện "nghèo" kêu khó

Tuy nhiên, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện... việc xây dựng một hệ thống nhà vệ sinh đảm bảo vẫn là vấn đề cần cân nhắc.

Trong khi, những chi phí đầu tư cho nhà vệ sinh nằm ngoài nguồn chi của BHYT, bắt buộc các bệnh viện phải bỏ tiền túi để chi dùng. Nhưng có những bệnh viện, nguồn thu để đám ứng cho chính công tác khám chữa bệnh đã không đủ.

Ông Đỗ Quang Hải – Giám đốc Bệnh viện Tỉnh Điện Biên chia sẻ, phần lớn các Bệnh viện đã xây từ lâu nên cũ rồi, tại một số Bệnh viện tuyến tỉnh, các nhà vệ sinh cố gắng lắm cũng chỉ có thêm được cuộn giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay.

"Mặc dù họ lau rửa hàng ngày nhưng cũng chỉ sạch ở mức tương đối. Việc đầu tư thêm hay nâng cấp nhà vệ sinh là không làm nổi, vì chỉ một cái bồn vệ sinh của nam giới đã là 15 triệu đồng. Chưa kể phải sắm thêm các phụ kiện khác thì nó sẽ đội giá lên cao trong khi nguồn thu của bệnh viện quá thấp. Mỗi bệnh viện có rất nhiều khoa, phòng, mỗi khoa phòng cần phải có ít nhất 4-5 cái bồn vệ sinh, nên bệnh viện không thể có tiền đầu tư xây nhà vệ sinh.

Thực tế cho thấy, nhà vệ sinh cho cán bộ y tế chưa làm được, nói gì đến nhà vệ sinh cho người bệnh. Nguồn thu tại các bệnh viện huyện, tỉnh không thể đáp ứng được. Chỉ riêng việc thu giường bệnh phục vụ cho hoạt động thường xuyên, cho chính công tác khám chữa bệnh đã không đủ, nói chi lấy tiền ấy chi cho nhà vệ sinh là phi thực tế".

Thực hiện quyết liệt, tỉ mỉ, quy trách nhiệm cho lãnh đạo

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Bên cạnh một số bệnh viện làm rất tốt, đổi mới toàn diện, nhà vệ sinh đã có người trực, trang trí cây xanh, lắp đặt thiết bị… như khách sạn 5 sao thì cũng nhiều bệnh viện, ngay cả bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện rất bẩn, không có xà phòng cho chính nhân viên y tế rửa tay. Đôi khi, nhiễm trùng bệnh viện cũng từ bàn tay không được vệ sinh sạch mà ra ”. 

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong Hội nghị " Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện"

Trước bài toán nan giải về câu chuyện nhà vệ sinh sạch - bẩn, nhất là hệ luỵ nguy hiểm, trong đó nguy cơ nặng nhất là người bệnh, người nhà bệnh nhân thậm chí cả y, bác sĩ cũng có thể bị nhiễm bệnh. Từ đó, dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng thời gian điều trị cho người bệnh, tăng chi phí… ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện.

Nguy hiểm hơn, nhà vệ sinh được đánh giá là môi trường ẩn nấp và lây truyền của hơn 200 loại vi khuẩn gây các bệnh nhiễm, hô hấp, tiêu hóa… 

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay mức độ người dân hài lòng về dịch vụ y tế là 80% nhưng còn 20% chưa hài lòng và trong số đó, phần nhiều vì câu chuyện nhà vệ sinh bệnh viện. Vì lẽ đó, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện vấn đề trên một cách tiên quyết, tỉ mỉ, ráo riết thực hiện. 

Đặc biệt, Bộ sẽ quy trách nhiệm cho chính lãnh đạo cơ sở y tế đó. “Tiêu chuẩn nhà vệ sinh bệnh viện là một trong 83 tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện, đã được thể chế hoá trong việc chấm điểm. Bộ Y tế rất quan tâm về vấn đề này.

Chúng ta đã có mức tiêu chuẩn khảo sát riêng cho nhà vệ sinh bệnh viện, từ mức 3,4,5 mới đạt yêu cầu. Trong khảo sát, còn 20% nhà vệ sinh vẫn có mùi hôi, chưa sạch, chưa có xà phòng rửa tay, chưa tách nhà vệ sinh nam - nữ. 

Để tiến tới giải quyết vấn đề này, theo tôi phải thực hiện thành quy chế bệnh viện và chấm điểm, nếu không đạt, chúng tôi sẽ trừ điểm bệnh viện rất nặng. Nếu khoa, phòng để nhà vệ sinh còn bẩn, coi như trưởng khoa đó ở bẩn. Nếu bệnh viện để nhiều khoa phòng có nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc, trưởng khoa ở đó ở bẩn”.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, tuỳ thuộc vào điều kiện để phát triển nhà vệ sinh bệnh viện một cách tương xứng. Ngoài ra, các bệnh viện có thể kêu gọi hỗ trợ bằng hình thức xã hội hoá. 

Hồng Ngọc/GiaDinhMoi.vn

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính