Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang có xu hướng giảm về số ca mắc và số ca nhập viện.
Cụ thể, từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, giảm 376 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 31.572 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Hiện còn 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển; học sinh, sinh viên vào năm học mới, vì vậy các chuyên gia nhận định có thể xuất hiện đỉnh dịch thứ 2 trong tháng 10, 11/2017 nếu không duy trì triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như thời gian qua.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt triển khai các giải pháp để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, nhất là ở các thành phố lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến bất thường và đến sớm.
Cao điểm, có những ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa của người bệnh.
Mặc dù chúng ta mới tạm thời khống chế được dịch sốt xuất huyết nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng nếu chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng trong các tháng cuối năm, người dân phải biết tự bảo vệ chính bản thân mình.
Việt Nam sắp có vắc-xin phòng sốt xuất huyết
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến tháng 11/2017, công trình nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur của Pháp thực hiện sẽ hoàn thành. Dự kiến năm 2018 vắc xin này sẽ được đưa vào sử dụng.
Kết quả đánh giá vắc-xin sốt xuất huyết sau khi thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam cho thấy vắc-xin này an toàn cho người sử dụng và có khả năng bảo vệ trên 60%.
Tại buổi kiểm tra sức khỏe và đánh giá cuối cùng cho hơn 2.300 trẻ tham gia thử nghiệm tiêm vắc-xin sốt xuất huyết từ 2 đến 14 tuổi đều có sự đồng ý của gia đình.
Những trẻ tham gia được tiêm 3 mũi vắc-xin sốt xuất huyết, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Quá trình thử nghiệm này đã được thực hiện trong 6 năm qua tại Mỹ Tho, Tiền Giang và Long Xuyên, An Giang - hai địa bàn có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhiều năm.
Hiện đã có 17 quốc gia cho phép lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết, trong đó, Brazil và Philippines đã tiêm đại trà vắc-xin này.
Vắc-xin này đã qua nhiều thử nghiệm lâm sàng trên người, thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các nghiên cứu này đã chứng minh vắc-xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên. Việt Nam là một trong 5 quốc gia tại khu vực châu Á tham gia trong giai đoạn 3 của tiến trình thử nghiệm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), chủng virus sốt xuất huyết Dengue (D) lưu hành tại Việt Nam hiện có 4 tuýp.
Cứ 1 lần nhiễm virus thuộc tuýp nào thì sẽ miễn dịch suốt đời với tuýp virus đó. Do vậy, mỗi người dân Việt Nam sẽ có nguy cơ mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần.
Vắc-xin được đưa ra thử nghiệm có thể phòng được 4 tuýp virus sốt xuất huyết. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc-xin có hiệu quả cao nhất đối với tuýp D4 (hơn 80%), tiếp đến là D3, D1 và D2.
Đặc biệt, vắc-xin này có hiệu quả cho trẻ từ 9 tuổi trở lên, trong đó phòng những trường hợp bệnh nặng lên tới hơn 90%.
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Linh Nhi (TH)Bạn đang xem bài viết Nguy cơ xuất hiện đỉnh dịch sốt xuất huyết thứ 2 trong tháng 10 và 11 tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].