Bà Nà, một trưa tháng 7
Nắng rực rỡ trên mỗi bậc thang lối đi lên khách sạn Morin, những tòa lâu đài như được bứng ra từ những câu chuyện cổ tích, đặt trên đỉnh núi Chúa.
Khách giữa trưa tụ cả về các nhà hàng, lối đi vắng vẻ. Một cô gái còn khá trẻ, chân đi đất, đang loay hoay với đôi dép cách đó chỉ chừng 20cm.
Xỏ dép vốn là một việc vô cùng đơn giản. Nhưng với đôi chân của cô, dù đã có chiếc nạng giúp sức thì cái việc rất đỗi bình thường ấy cũng chẳng dễ chút nào. Cô cố gắng xoay xở, nhưng mọi nỗ lực cho một việc quá nhỏ bỗng trở nên quá khó khăn.
Một người đàn ông xuất hiện. Rất nhanh và thật nhẹ nhàng, anh mỉm cười nhặt từng chiếc dép, đỡ cô khỏi ngã rồi cẩn trọng xỏ từng chiếc dép vào đôi bàn chân không lành lặn.
Cô gái cười ấm áp, cảm ơn anh, bước tiếp về phía những hoa, những lâu đài và mây ngàn trên đỉnh Bà Nà. Cô cũng kịp thấy trên ngực áo anh có cài bảng tên in logo Sun Group, ngay dưới dòng chữ thêu 'Bà Nà Hills'.
Người đàn ông vẫn còn đứng lại chỗ cũ, hướng mắt trìu mến nhìn theo cô thêm một đoạn dài, đủ để chắc chắn rằng cô an toàn, vững bước, rồi lại rảo bước thật nhanh tiếp tục công việc của mình, sau những tòa nhà nguy nga tráng lệ trên đỉnh Bà Nà.
Bà Nà, mỗi ngày…
Đi du lịch, với người lành lặn vốn là chuyện dễ như thay cái áo, mặc cái quần, hay đi đôi dép. Nhưng với người khuyết tật, đó là cả một ước mơ, một nỗ lực.
Ở Bà Nà, thấy rất nhiều người khuyết tật đi du lịch và việc khám phá khu du lịch hàng đầu Việt Nam đối với họ, có khác chăng chỉ là trên chiếc xe lăn, đi theo lối đi riêng.
Làm lối đi riêng cho công viên ở thành phố là chuyện rất bình thường. Còn với địa hình Bà Nà để thiết kế những băng chuyền dài, những lối đi lên, xuống với độ dốc cao để kết nối dưới chân và sàn nhà ga hay các điểm đến thì lại là chuyện không dễ dàng. Nhưng những người làm du lịch ở Sun World Ba Na Hills đã làm được.
Bước xuống ô tô, những người khuyết tật tới Bà Nà đã được các nhân viên an ninh lại gần, hướng dẫn khách đi vào lối đi ưu tiên. Một quy trình đón khách khuyết tật được Bà Nà Hills xây dựng, và thực hiện.
Một anh bảo vệ, một chị lao công, một nhân viên hướng dẫn cáp, hay chị bán vé, ai cũng sẵn sàng trở thành người nhà của những con người kém may mắn đó, dẫn họ đi khắp khu du lịch, đưa họ qua những đoạn đường khó đi, hoặc là cõng họ lên cáp treo…
Xe lăn được đặt trong tất cả các nhà ga, để người khuyết tật có thể dễ dàng tới được nơi mình muốn. Chỉ cần họ băn khoăn, hướng mắt tìm một sự trợ giúp, sẽ có nhân viên Bà Nà chạy đến, kịp thời.
Những hành động, sự quan tâm chăm sóc du khách khuyết tật ở Bà Nà là chuyện rất bình thường.
Du lịch đâu chỉ là mang đến niềm vui trải nghiệm
Du khách có thể nhìn thấy những việc giản dị rất đỗi bình thường đó mỗi ngày, không chỉ ở Bà Nà Hills mà ở tất cả các khu du lịch mang thương hiệu Sun World của Tập đoàn Sun Group.
Còn nhớ, hồi đầu năm 2016, Vũ Ngọc Anh, chàng trai xương thủy tinh chinh phục đỉnh Fansipan bằng đầu gối, qua 600 bậc đá để lên đến đỉnh vinh quang, đi bên cạnh anh không chỉ là cô bạn gái mà còn có những nhân viên an ninh, nhân viên y tế của khu du lịch Sun World Fansipan Legend.
Người vác theo chiếc xe lăn để anh có thể dừng nghỉ bất cứ lúc nào, người theo sát bước chân anh, chỉ để nhắc nhở: 'Hít sâu, thở đều, cố lên!'.
Và khi anh chạm tay vào chóp tháp, cả đỉnh Fansipan lúc đó vỡ òa sung sướng.
Đã có những bức thư rất tình cảm, gửi về cho khu du lịch trên đỉnh cao 3143m, để cảm ơn những người làm du lịch ở nơi này đã tận tình giúp đỡ họ chinh phục Nóc nhà Đông Dương.
Đã có những biết ơn, của chính những người được khu du lịch này mời đến để bán sản phẩm do chính họ làm ra cho du khách.
Làm du lịch đâu chỉ là mang đến niềm vui và những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, mà còn là đem đến những thay đổi tươi sáng cho người dân bản địa.
Đôi khi, lòng tin và tình yêu đối với một thương hiệu lại được tạo dựng từ những điều nhỏ bé chẳng ai nghĩ đến như thế!
Bạn đang xem bài viết 'Người Sun group' và những câu chuyện thật về cách phục vụ khách hàng tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].