Bà nội ở Bắc Giang 'chậm tháng', bỗng thấy bụng có gì đạp đạp, không ngờ mang bầu và sinh thường bé nặng 3,2kg

Bị mất kinh nguyệt nhưng sản phụ 51 tuổi ở Bắc Giang nghĩ rằng mình mãn kinh nên không đi khám. Đến khi "trong bụng có gì đạp đạp", đi khám thì đã phát hiện mang thai 22 tuần.

Vợ chồng sản phụ K vui mừng đón con chào đời.

Vợ chồng sản phụ K vui mừng đón con chào đời.

BSCK II Nguyễn Thị Minh Phương – Chủ nhiệm khoa Phụ sản (B11), Bệnh viện Quân y 354 cho biết, các bác sĩ tại khoa vừa đỡ đẻ thành công cho một sản phụ 51 tuổi, sinh thường bé gái nặng 3,2 kg. Đây là trường hợp lớn tuổi nhất mang thai tự nhiên và sinh con tại bệnh viện 354.

"Sản phụ K 51 tuổi, đã có 2 cháu nội (cháu lớn 11 tuổi). Sản phụ không biết mình mang thai, khi đến chu kỳ kinh nguyệt nhưng không thấy đến, sản phụ nghĩ mình đã mãn kinh. Tuy nhiên, vài tháng sau, bà K. thấy bất thường trong bụng, cảm giác có “động đậy”. Khi đi khám ở Bệnh viện 354, bà bất ngờ được bác sĩ thông báo đã có thai ở tuần thứ 22.

Khi đó sản phụ cũng vừa vui nhưng cũng rất lo lắng cho sức khỏe em bé vì đã lớn tuổi. Chúng tôi khảo sát siêu âm hình thái thai nhi cho kết quả bình thường; phân tích, tư vấn, động viên sản phụ giữ thai và chú ý chăm sóc sức khỏe của 2 mẹ con".

Sản phụ đi khám thai đúng các mốc bác sĩ lưu ý, đặc biệt lưu ý vấn đề dinh dưỡng. Cuối tháng 3, khi thai 37 tuần, thai phụ bị vỡ ối, vào Bệnh viện 354 được chỉ định mổ nhưng gia đình và sản phụ mong muốn sinh thường. Bác sĩ theo dõi sát sao, đánh giá có thể sinh thường nên đồng ý với mong muốn của gia đình. 

Sản phụ đã sinh thường bé gái nặng 3,2kg, sau sinh sức khỏe mẹ và bé ổn định.

Qua trường hợp của sản phụ trên bác sĩ Phương đặc biệt khuyến cáo các phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn có khả năng thụ thai. Do vậy, khi thấy không có kinh nguyệt, cần phải thử thai hoặc đi khám sản phụ khoa. Ngoài ra, cần phải thực hiện những biện pháp tránh thai hợp lý.

Bác sĩ Phương lưu ý thêm, phụ nữ mang thai và sinh đẻ ở độ tuổi cao sẽ rất nguy hiểm. Với thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Ngoài ra, còn đối mặt với các bệnh lý như: đái tháo đường, thậm chí thai lưu. Quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là việc xương đã bị lão hoá, khung xương chậu không còn sự “đóng mở” khi thời còn trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính