Chiều ngày 5/10, chị Đ.T.M.L (48 tuổi, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) nhập viện Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) do có triệu chứng ho nhiều, sốt...
Kết quả chụp X-quang và CT ngực cho thấy trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải có một dị vật không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm thùy giữa và thùy dưới phổi phải.
Tiếp tục tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm, các bác sĩ phát hiện dị vật có màu đen, hình elip, kích thước khoảng 2cm, trông giống hạt sapôchê. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật ra là một hạt sapôchê.
Sau ca nội soi, chị L. hết sức ngỡ ngàng: “Khi nghe tin có dị vật lạ trong phổi, không chỉ tôi mà cả gia đình đều lo lắng vì lo sợ dị vật là khối u.
Cách đây khoảng 4 năm, khi đang ăn sapôchê, tôi trả lời câu hỏi của con gái nên bị sặc, hạt sapôchê vướng vào cổ họng. Mặc dù tôi đã móc họng nhưng hạt không ra. Sau đó con gái tôi lấy cơm và nước cho tôi nuốt để đẩy hạt xuống bao tử luôn, một lúc sau thấy bình thường lại nên yên tâm”.
Khoảng 3 tháng sau, chị L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, có đàm. Mỗi lần ho, chị lại mua uống thuốc uống, lúc đó triệu chứng có giảm nhưng khi ngưng thuốc lại ho tiếp. Chị đã đi khám và điều trị bệnh ở nhiều nơi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn cơn ho lại tái phát.
BS Lê Hoàng Hải - Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Thủ Đức - người trực tiếp nội soi và gắp dị vật, cho biết trường hợp hóc dị vật của bệnh nhân L. không mới, thậm chí đã có trường hợp dị vật là vỏ thuốc, mảnh xương hay tăm tre…. gây tổn thương đường tiêu hóa.
Với trường hợp này, nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi liên tục, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.
Bệnh nhân thường đi khám, được chẩn đoán và điều trị viêm phổi nhưng ít khi nghĩ đến viêm phổi do dị vật. Do đó, hầu hết các trường hợp dị vật ở phế quản thường được chẩn đoán và xác định muộn như bệnh nhân L.
BS Hải cũng khuyến cáo, nếu khi ăn bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, cần đi khám ngay. Không nên làm các biện pháp cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp.
Nếu để lâu, điều này có thể dẫn tới viêm phổi tái phát nhiều lần. Lưu ý khi ăn uống cần tránh cười đùa, nhất là trẻ em. Phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở.
H.NBạn đang xem bài viết Người phụ nữ ho 4 năm, chữa kiểu gì cũng không khỏi chỉ vì ăn một loại quả tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].