3 loại thực phẩm nên ăn, 4 loại nên tránh khi bị suy giáp

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng với bệnh suy giáp. Một số chất dinh dưỡng như selen và kẽm có thể cải thiện chức năng tuyến giáp, trong khi một số loại có thể làm bệnh xấu đi hoặc cản trở việc điều trị.

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ có hình con bướm nằm ở cổ họng. Suy giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động kém (hypothyroidism) có nghĩa là tuyến này sản xuất ít hormone hơn mức cơ thể cần.

suy giap 01

Điều này có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể và gây tăng cân, mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác.

Mặc dù việc thay đổi chế độ ăn uống không thể chữa khỏi bệnh này nhưng nó có thể giúp kiểm soát tình trạng này.

Dưới đây là một số loại thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bạn bị suy giáp.

1. Thực phẩm nên ăn khi bị suy giáp

1.1. Thực phẩm chứa iod

iod suy giap

Cơ thể cần iod để sản xuất hormone tuyến giáp. Nhưng vì cơ thể không thể tạo ra iod nên chúng ta cần bổ sung nó từ chế độ ăn uống.

Các thực phẩm giàu iod gồm:

  • Phô mai
  • Sữa
  • Muối ăn iod
  • Cá nước mặn
  • Rong biển
  • Trứng nguyên quả

Sự thiếu hụt iod có thể gây phì đại tuyến giáp, còn được gọi là bướu cổ.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh tiêu thụ quá nhiều iod, vì điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giáp hoặc cường giáp.

Do đó, bạn chỉ nên bổ sung thêm iod vào chế độ ăn nếu được bác sĩ khuyến nghị.

1.2. Thực phẩm chứa selen

Selen là một vi chất dinh dưỡng có vai trò trong việc sản xuất hormone tuyến giáp và hoạt động như một chất chống oxy hoá.

 Mô tuyến giáp chứa một lượng selen cao hơn bất kì cơ quan nào khác trong cơ thể con người.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy việc duy trì nồng độ selen trong cơ thể giúp ngăn ngừa bệnh tuyến giáp và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Thực phẩm giàu selen bao gồm:

  • Điều Brazil
  • Cá ngừ
  • Tôm
  • Thịt bò
  • Thịt gà, gà tây
  • Giăm bông
  • Trứng
  • Cháo yến mạch
  • Gạo lức

1.3. Thực phẩm chứa kẽm

ghep anh

Kẽm là một chất dinh dưỡng có thể mang lại lợi ích cho những người có lượng hormone tuyến giáp thấp.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy rằng bổ sung kẽm sẽ cải thiện chức năng tuyến giáp ở phụ nữ bị suy giáp.

Thực phẩm giàu kẽm bao gồm:

  • Hàu
  • Thịt bò
  • Cua
  • Ngũ cốc
  • Thịt lợn
  • Thịt gà
  • Cây họ đậu
  • Hạt bí ngô
  • Sữa chua

2. Thực phẩm nên tránh khi bị suy giáp

Một số chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến giáp.

Mặc dù chúng không bị cấm hoàn toàn nhưng bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm này để kiểm soát bệnh suy giáp.

2.1. Goitrogens 

Goitrogens là một loại hợp chất tự nhiên có trong nhiều thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nếu tiêu thụ một lượng lớn.

Tuy nhiên, nếu tiêu thụ thường xuyên các loại rau chứa goitrogen như súp lơ xanh, cải chíp ở mức độ vừa phải thì sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể và không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.

Ngoài ra, việc nấu chín rau sẽ gần như vô hiệu hóa tất cả hợp chất goitrogens.

Thực phẩm chứa goitrogens thường là các loại rau họ cải xanh, bao gồm:

  • Cải rổ
  • Cải brussels
  • Cải xoăn nga
  • Súp lơ xanh
  • Súp lơ trắng
  • Bắp cải

2.2. Đậu nành

dau nanh

Một số bằng chứng chỉ ra rằng đậu nành có thể cản trở cơ thể sản xuất hormone tuyến giáp.

Trong một nghiên cứu, một phụ nữ 72 tuổi bị suy giáp nặng sau khi thường xuyên uống đồ uống tốt cho sức khỏe có nhiều đậu nành trong 6 tháng.

Tình trạng của người này được cải thiện sau khi ngừng uống đồ uống này và bắt đầu dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

Tuy nhiên, nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng đậu nành không có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ tuyến giáp. Việc xác định tác động của đậu nành đối với chức năng tuyến giáp cần nhiều nghiên cứu hơn.

Thực phẩm có chứa đậu nành bao gồm:

  • Sữa đậu nành
  • Xì dầu
  • Đậu nành luộc
  • Đậu hũ
  • Miso

2.3. Gluten

Những người mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto - một nguyên nhân gây ra bệnh suy giáp - có nhiều khả năng mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten) hơn bình thường.

Điều này là do Hashimoto và celiac đều là những loại rối loạn tự miễn dịch và người mắc một trong hai chứng rối loạn này có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn còn lại.

Nghiên cứu cũng gợi ý rằng loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn sẽ cải thiện chức năng tuyến giáp ở những người mắc bệnh Hashimoto nhưng không mắc bệnh celiac.

Những người bị suy giáp tự miễn có thể thử ngừng ăn thực phẩm chứa gluten để xem các triệu chứng có cải thiện hay không.

2.4. Thực phẩm chế biến sẵn

thuc an nhanh suy giap

Giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và đường bổ sung có thể giúp cải thiện các triệu chứng, kiểm soát cân nặng và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Một số loại thực phẩm và đồ uống siêu chế biến và nhiều đường bổ sung như:

  • Thức ăn nhanh
  • Xúc xích
  • Bánh donut
  • Bánh ngọt
  • Bánh quy
  • Nước ngọt

(Theo Medical News Today)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính