Chị Nguyễn Thị Thúy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo ngại, con đã tiêm được một mũi Quinvaxem trước đó. Tuy nhiên, tháng 6 tới sẽ chuyển đổi loại mới. Chị không biết nên cho con tiêm tiếp loại cũ hay chuyển sang lại mới.
“Cháu tiêm mũi đầu tiên khi được 4 tháng tuổi. Về sau, vì cháu ốm đúng lịch nên bỏ lỡ nhiều đợt tiêm. Vậy bây giờ đổi loại vacxin, tôi không biết như thế nào!”, chị Thúy chia sẻ.
Cũng có chung suy nghĩ với chị Thúy, chị Phạm Hoài An (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Con nhà mình đã tiêm mũi lao, tháng trước vì thiếu ngày nên bác sĩ không cho tiêm. Tháng gần đây bị dị ứng da lại không tiêm được. Nay bé 4 tháng nhưng vẫn chưa tiêm được mũi nào. Tôi không biết cần phải tiêm cho con ra sao trước thông tin mới này”.
Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Trần Khắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bất kể một loại vacxin nào khi nhập về cũng đều được trải qua đầy đủ các thủ tục, quy trình cấp phép.
“Tôi khẳng định loại vắc xin này tương tự loại vacxin cũ nên khi tiến hành chuyển đổi, thay thế sẽ hoàn toàn bình thường, không có gì ảnh hưởng tới việc tiêm chủng cũng như sức khỏe các cháu. Trên thực tế việc thay thế vacxin là chuyện bình thường.
Người dân không nên lo lắng bởi việc thay thế vắc xin là bình thường, do nhà máy ngừng phải thay thế, không có xáo trộn gì”, Cục trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, theo PGS TS Trần Khắc Phu, khi nhập vacxin mới sẽ thực hiện trên quy mô nhỏ ở 4 tỉnh, rút kinh nghiệm trước khi tiến hành triển khai trên phạm vi cả nước.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng sẽ đảm bảo có vacxin thay thế, bảo đảm trẻ được tiêm phòng liên tục, đầy đủ. “Hiện nay chúng ta vẫn còn vacxin Quinvaxem, các bà mẹ tiếp tục cho trẻ em đi tiêm vacxin cũ. Trẻ đang tiêm vacxin cũ chưa đủ liều vẫn tiếp tục tiêm vacxin mới”, PGS TS Trần Khắc Phu cho biết thêm.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Ngừng sử dụng Quinvaxem: Nhiều phụ huynh lo lắng vì đang tiêm dở cho con tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].