Một nghiên cứu mới công bố trong Kỷ yếu Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, khả năng lây cúm trên máy bay là hoàn toàn có thể xảy ra, dù cho nhìn chung không khí trên máy bay khá sạch.
Hãy cẩn thận nếu có người ho ở bên cạnh
Khả năng lây cúm phụ thuộc nhiều nhất vào việc người ngồi cùng hàng ghế với bạn, cũng như ở hàng ghế trước và sau. Đồng thời, khả năng lây bệnh cũng phụ thuộc vào việc bạn sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay, những thứ bạn chạm vào và mức độ cẩn thận khi bạn rửa tay.
Bệnh cúm chủ yếu lây truyền thông qua những hạt bụi phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, nói... có chứa vi khuẩn từ đường hô hấp.
Những mầm bệnh này không đi quá xa, chỉ tầm 1.8 mét. Đồng thời chúng cũng không lơ lửng trong không khí của khoang máy bay, nơi mọi người có thể hít phải.
Ngoài ra, virus cúm cũng có thể lây truyền thông qua những vật mà người bệnh đã chạm vào.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát nguy cơ lây bệnh thông qua 5 chuyến bay khứ hồi từ Atlanta tới các thành phố Bờ Tây (Mỹ), 4/5 chuyến bay diễn ra trong khi bệnh cúm đang lan mạnh.
Mỗi chuyến bay có 14 nhà nghiên cứu để quan sát hành khách và phi hành đoàn.
Tổng cộng, các nhà khoa học tổng kết hoạt động của 1.540 hành khách và 41 thành viên phi hoành đoàn. Kết quả là chỉ có 1 hành khách được quan sát thấy đã ho trên khoang máy bay.
Các chuyến bay được quan sát hầu như kín ghế, kéo dài từ 3,5 – 5 giờ.
Nghiên cứu cho thấy 38% hành khách không bao giờ rời khỏi chỗ ngồi của họ và 38% chỉ đứng lên 1 lần. Số còn lại đứng lên 2 lần hoặc nhiều hơn.
Với những người thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay, đây có thể là một mẹo hữu ích: Trong buồng hạng nhì của máy bay Boeing 757, chỉ có 1 nhà vệ sinh ở phía trước buồng lái, nhưng 2 nhà vệ sinh ở phía sau.
Việc chờ đợi để sử dụng nhà vệ sinh ở phía trước là 3,1 phút, nhưng những người dùng nhà vệ sinh phía sau chỉ mất 1,7 phút đứng đợi.
Vị trí nào trên máy bay sẽ tiếp xúc với nhiều hành khách nhất?
Việc tiếp xúc với nhiều hành khách đồng nghĩa với nguy cơ lây bệnh cao hơn. Vị trí ngồi trên máy bay sẽ quyết định điều này.
Cụ thể, vị trí ngồi gần lối đi sẽ tiếp xúc trung bình 64 lượt, trong khi ngồi ở giữa hàng ghế là 58 còn ngồi sát cửa sổ chỉ có 12. Những người ngồi giữa cabin cũng có nhiều tiếp xúc hơn so với những người ngồi phía đầu hoặc cuối.
Sử dụng dữ liệu được thu thập, cùng với việc ước lượng 1 mét là khoảng cách có thể lây nhiễm virus cúm, các nhà nghiên cứu đã xây dựng 1.000 chuyến bay giả định, theo 2 tình huống: (1) người mắc bệnh cúm ngồi ở ghế 14C – ghế gần lối đi và gần như ở trung tâm khoang máy bay; (2) một thành viên phi hành đoàn mắc bệnh.
Kết quả tính toán cho thấy 14 người ngồi gần nhất với hành khách ở ghế 14C có thể mắc bệnh cúm.
Những người ngồi dọc theo lối đi ở trên chuyến bay cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ giảm nhanh theo với khoảng cách. Ví dụ, người ngồi ở hàng ghế 16 sẽ có nguy cơ lây cúm gần bằng 0, trừ khi có tiếp xúc trực tiếp với hành khách bị bệnh.
Sẽ ít có khả năng một thành viên phi hành đoàn mắc bệnh, vì đa phần sẽ nghỉ việc khi bị ốm. Nhưng nếu một thành viên phi hành đoàn bị cúm, các nhà nghiên cứu tính toán, họ sẽ lây nhiễm cho trung bình 4,6 hành khách mỗi chuyến bay.
Nhóm nghiên cứu cũng thu thập các mẫu từ sàn máy bay trước và sau khi hành khách lên máy bay, và thấy rằng máy bay khá sạch sẽ. Trong số 229 mẫu được thu thập, không một mẫu nào xuất hiện 18 loại virus hô hấp thông thường.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Vicki Stover Hertzberg (Đại học Emory, Mỹ) đã có một số lời khuyên cho những người bị cúm khi sử dụng máy bay: "Hắt hơi vào khuỷu tay của bạn, vệ sinh tay sạch sẽ và bật lỗ thông khí. Điều đó sẽ khiến các hạt bệnh phẩm rơi xuống sàn".
Ngoài ra, nếu bạn không bị cúm, việc đeo khẩu trang khi ở trên chuyến bay để đề phòng bị lây bệnh cũng có thể giúp ích.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Nghiên cứu: 1 người bệnh cúm có thể lây cho 14 người trên mỗi chuyến bay tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].