Nghị quyết số 68-NQ/TW là yêu cầu khách quan cho sự phát triển Đất nước trong thời đại mới

Sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 98) ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị là một bước ngoặt quan trọng, là yêu cầu khách quan góp phần vào việc đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và hùng cường của dân tộc.

Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là “trung tâm” của sự phát triển Đất nước

Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đến nay nước ta đã đạt những thành tựu to lớn khi kinh tế tăng trưởng nhanh và liên tục, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố và mở rộng.

Tuy nhiên, trước tình hình mới với rất nhiều cơ hội cũng không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng đã đặt Đất nước ta trước rất nhiều thử thách. Điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách nhằm phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân nhằm quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra.

Đây chính là yêu cầu khách quan của sự phát triển Đất nước và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong đó khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) được xác định là “trung tâm” của sự phát triển.

TBT

Tổng Bí thư Tô Lâm coi KTTN là một trong ba trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế - ảnh: Chinhphu.vn

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, KTTN đã có những bước phát triển và trưởng thành vượt bậc, đóng góp to lớn vào nền kinh tế và quá trình đổi mới, phát triển Đất nước mặc dù trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, bất cập.

KTTN nước ta trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và 2045, Đảng và Nhà nước và Chính phủ đã tập trung vào “Bộ tứ trụ cột” đột phá bao gồm: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Để thực hiện những sự đột phá này cần sự chung sức của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn.

“Từ đó, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới -  kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc” - Tổng Bí thư hy vọng.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), việc khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội trở thành đòi hỏi cấp thiết để phát triển nhanh và bền vững nên Nghị quyết 68 ra đời đã thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta.

"Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên phải có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, Nghị Quyết 68 đã thay đổi tư duy về KTTN từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế "kiềng ba chân" vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Phát triển KTTN không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong một thế giới đầy biến động” - Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ.

Liên quan đến Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã rất đồng bộ, đầy đủ, vấn đề đặt ra, mong muốn lớn nhất là tổ chức thực hiện thật tốt, thực sự hiệu quả với tinh thần “nghĩ sâu làm lớn”, có cách làm hiệu quả nhất, phát huy tốt nhất khả năng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó mỗi người đóng góp, mỗi nhà đóng góp thì toàn xã hội mới có nguồn lực lớn để “thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình” để đưa Đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nghị quyết số 68 chính là bước đi chiến lược thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc phát triển khu vực KTTN thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, việc triển khai Nghị quyết không chỉ cần sự quyết liệt từ Trung ương mà còn phải có sự chủ động, sáng tạo và đồng hành từ chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội” - Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.

Thủ tướng cũng cho rằng, nếu trước đây chúng ta có nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích thì mới chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thì ngày nay khi Đất nước hòa bình chúng ta phải phát triển Đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Do đó, cần phát động phong trào "toàn dân làm giàu" để huy động mọi nguồn lực phát triển Đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu tuong

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng trong buổi đối thoại cùng các doanh nghiệp tư nhân ngày 31/5 - ảnh: Chinhphu.vn

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng trong tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn.

Cụ thể, theo Thủ tướng, giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024. Cùng với đó, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ.

Thủ tướng cũng cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Đặc biệt, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.

Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ, vươn xa…

Doanh nghiệp kỳ vọng gì về Nghị quyết 68?

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhìn nhận, việc ra đời của Nghị quyết 68 chính là bước ngoặt, là động lực để cho KTTN “cất cánh”. Tuy nhiên, để biến chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn cần nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan…

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, Nghị quyết 68 được xem là cú hích lớn về chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn và khơi dậy tinh thần dân tộc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Thực tế, mỗi doanh nghiệp như một tế bào của nền kinh tế, nên nếu tế bào khỏe mạnh thì nền kinh tế mới khỏe mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không chỉ tập trung vào thị trường quốc tế mà còn xác định rõ vai trò trụ cột nội địa bằng việc cung ứng các sản phẩm phục vụ hạ tầng và công nghiệp trong nước, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường” - bà Nguyên chia sẻ.

Đồng quan điểm với bà Nguyên, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cũng cho rằng, Nghị định 68 là một cú chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là “một bộ phận” đến "vị trí trung tâm" trong chiến lược phát triển.

Nghị quyết 68 với tinh thần đột phá, đã mở ra không gian chính sách mới. Nhưng hành trình từ chủ trương đến hiện thực không thể chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Đó là một quá trình song hành, trong đó doanh nghiệp, chuyên gia và toàn xã hội phải cùng bước tới” - ông Thành cho biết.

Ông Võ Trí Thành cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường phân tích chi phí - lợi ích, đánh giá tác động chính sách để góp ý hiệu quả hơn.

Còn theo ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC, Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực KTTN được xác lập là động lực quan trọng nhất.

Đối với ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nghị quyết 68 đã tạo ra những đột phá chưa từng có về quan niệm và tư duy phát triển KTTN khi đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, quyết liệt, tập trung vào những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực KTTN.

Công việc trọng tâm hiện nay là thể chế hóa các Nghị quyết thành những cơ chế, chính sách cụ thể, có tính khả thi cao trong thực tiễn, nhằm tạo ra những kết quả thiết thực, đúng với mục tiêu đã được xác định - ông Thân cho biết.

Truong Gi Binh

Ông Trương Gia Bình coi Nghị quyết 68 được như "nắng hạn gặp mưa rào" đối với doanh nghiệp tư nhân - ảnh: Chinhphu.vn

Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình -  Trưởng ban Nghiên cứu phát triển KTTN trực thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính lại ví von Nghị quyết 68 được như "nắng hạn gặp mưa rào" khi mang đến niềm hy vọng mới với sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước trong sự phát triển của Đất nước trong thời gian tới.

Doanh nghiệp mong muốn được Đảng, Chính phủ và Nhà nước luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển, phục vụ sự phát triển kinh tế của Đất nước”- ông Bình hy vọng.

Như vậy, có thể thấy rằng “sân chơi, “luật chơi” và người “kiến tạo cơ hội” đã được xác định. Đó là những chủ trương, chính sách, định hướng đã được Đảng và Chính phủ khẳng định trong Nghị quyết 68, việc còn lại của “người chơi” là vận dụng như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với thực tế. Điều này cần sự linh hoạt và tầm nhìn chiến lược của người dân, doanh nghiệp và toàn thể xã hội…

Phạm Sinh

----

Tài liệu tham khảo:

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 - Báo điện tử Chính phủ ngày 21/5

Tổng thuật Tọa đàm của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp về phát triển kinh tế tư nhân - Báo điện tử Chính phủ ngày 31/5;

Và thông tin từ một số bài báo, báo cáo khác…

 

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính