Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nghệ An: Tăng cường phòng, chống bệnh dại mùa nắng nóng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 3 người tử vong do bệnh dại. Các bệnh nhân này đều không tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại mà tự sử dụng lá cây chữa bệnh.

Những năm gần đây Nghệ An là một trong những tỉnh có số người mắc dại cao trong cả nước và có số ca tử vong cao ở Khu vực Bắc Trung bộ; Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh trong năm qua chỉ đạt tỷ lệ 27%.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho  biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 người tử vong do bệnh dại. Tất cả các bệnh nhân tử vong đều không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại mà tự sử dụng thuốc lá – thuốc nam – đông y để điều trị.

  Bị chó cắn nếu không sớm tiêm phòng vắc-xin có thể sẽ tử vong do bệnh dại. Ảnh minh họa

Bị chó cắn nếu không sớm tiêm phòng vắc-xin có thể sẽ tử vong do bệnh dại. Ảnh minh họa

TS.BS Nguyễn Văn Định, Giám đốcTrung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết, bệnh dại bản chất của bệnh là viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Vi rút này có ổ chứa trong thiên nhiên ở các loài động vật có vú.

Qua tìm hiểu, người ta thấy ở một số loài động vật hoang dã, đặc biệt ở một số loài dơi cũng chứa vi rút dại, đây chính là ổ chứa gây bệnh cho con người; nhưng điều quan trọng và gần con người nhất đó là đàn chó nuôi; con chó mắc bệnh dại có thể truyền từ con chó này sang con chó khác hoặc từ động vật hoang dã sang đàn chó nuôi, từ đó truyền bệnh sang con người qua vết cắn hoặc vết xước ở trên da, niêm mạc, vi rút sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi theo các rễ thần kinh hướng tâm, cuối cùng gây tổn thương ở não, màng não và tủy sống.

Một căn bệnh đã được biết đến từ lâu, bệnh dại vẫn được coi là một trong những căn bệnh gây tỉ lệ tử vong nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Khi bị động vật nghi dại cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Định, những người đã bị vết cắn chứa virus dại mà không được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh thường một vài tháng và cuối cùng thì lên cơn dại. Nó có hai thể bệnh, đó là thể bệnh hung dữ và thể bệnh liệt.

Thể bệnh hung dữ là bệnh nhân đau đớn vì nó tổn thương cả hệ thần kinh trung ương, có thể có sốt và có biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; khi có các yếu tố như ánh sáng mạnh, tiếng động, khi cho bệnh nhân uống nước, họ sẽ lên cơn co giật rất là khủng khiếp, rất là đau đớn, những triệu chứng này thường kéo dài 3 ngày đến 10 ngày, có những trường hợp ủ bệnh kéo dài 2 năm,  hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến tử vong.

Thể bệnh liệt là người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Sau đó, lan lên liệt tay đến khi liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

  Chủ động tiêm phòng cho chó,mèo để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả. Ảnh minh họa

Chủ động tiêm phòng cho chó,mèo để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Nghệ An, năm 2018 toàn tỉnh có 10.367 người bị chó, mèo và các động vật có thể lây truyền bệnh dại cắn đã được tiêm phòng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 703 người bị chó, mèo và các động vật có thể lây truyền bệnh dại cắn đã được tiêm phòng (chủ yếu là chó, mèo); Có 3 trường hợp đã tử vong.

Điều đáng nói là các trường hợp tử vong đều không tiêm phòng vắc xin và huyết thanh phòng dại.

Mặc dù đã được truyền thông tới tận xóm, xã nhưng một bộ phận người dân còn chủ quan trong phòng chống bệnh dại.

Khi bị chó dại cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời mà nghe lời các thầy lang mua thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị tại nhà và dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.

Để hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh dại, những người bị chó mèo cắn hoặc giết mổ, làm thịt chó, chăm sóc chó ốm đều nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng loại vắc xin thế hệ mới, tức là vắc xin tế bào rất là an toàn, hiệu quả và ít có tác dụng phụ.

Khi bị chó cắn, việc đầu tiên là chúng ta phải xử lí vết thương bằng rửa xà phòng đậm đặc (nếu không có xà phòng thì có thể dùng các chất tẩy rửa sẵn có như nước rửa chén bát … ), rửa dưới vòi nước 15 phút là tốt nhất để nhanh chóng loại trừ vi rút khỏi vết cắn, nó cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc kéo dài thời gian ủ bệnh. Sau đó đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, không nên khâu kín vết thương nếu không thật sự cần thiết. 

Phác đồ đang điều trị hiện nay là tiêm vắc xin 5 mũi. Cần lưu ý là vết thương lớn, ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi… tức là gần thần kinh Trung ương, thời gian ủ bệnh rất ngắn thì đồng thời với tiêm vắc-xin phòng dại, chúng ta tiêm thêm huyết thanh kháng dại.

Bác sĩ Định nhấn mạnh, chỉ có tiêm phòng vắc xin/huyết thanh kháng dại mới giúp bảo vệ được tính mạng cho người bị động vật nghi dại cắn. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân sẽ tử vong, chưa có thuốc nào điều trị được, cho nên người dân không tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y để điều trị.

T.Hoa

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính