Trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, cuộc sống của gia đình chị Lê Hường (32 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) vẫn khá vui vẻ và hạnh phúc.
Dù không thỏa thuận trực tiếp nhưng từ khi về chung một nhà, vợ chồng chị Hường vẫn ngầm hiểu với nhau rằng, tiền chị kiếm được từ bán hàng online, bán quán nước giải khát hàng ngày sẽ chi tiêu cho việc ăn uống, sinh hoạt của gia đình và bỉm sữa cho cô con gái nhỏ; còn tiền lương đi lắp biển quảng cáo của anh chồng sẽ chi trả tiền thuê nhà ở, thuê chỗ bán quán nước, tiền điện, nước hàng tháng...
Công việc buôn bán khá thuận lợi nên chị Hường chăm sóc chồng con rất đủ đầy, đồ ăn thức uống có phần “ăn sang” hơn so với những gia đình lao động bình thường khác.
Nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội thì việc làm ăn của chị Hường gặp khó khăn do không được bán hàng nước, khách mua hàng online cũng giảm.
Việc kinh doanh ảnh hưởng nên thu nhập của chị Hường giảm đáng kể, lúc này mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương đã bị giảm do dịch của người chồng.
Lương của chồng thấp, chi tiêu không đủ nên chị Hường hỏi chồng về tiền tiết kiệm hơn 1 năm lấy nhau thì nhận được kết quả ngã ngửa: “Mỗi tháng anh chi tiêu còn dư 1 ít và đã cho em trai mượn để mua xe, giờ dịch nên chưa đòi được”.
“Tôi chi tiêu mọi thứ trong nhà, chồng chỉ đóng một vài khoản cố định nên tôi nghĩ phần lương còn lại sẽ là tiền tiết kiệm chung của 2 vợ chồng. Nhưng đến khi cần tiền hỏi đến thì không có đồng nào. Tôi hối hận vì mình đã không có khoản tiết kiệm của riêng mình…” – chị Hường tâm sự.
Tình trạng khủng hoảng kinh tế như gia đình chị Hường do không có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý là tình trạng chung mà nhiều gia đình trẻ gặp phải trong mùa dịch COVID-19.
Để khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế, phòng ngừa những lúc rủi ro như dịch COVID-19, chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội) khuyên các gia đình, nhất là các cặp vợ chồng trẻ cần học cách chi tiêu, tiết kiệm tiền hợp lý.
“Trong mọi trường hợp, các gia đình, đặc biệt là vợ chồng trẻ cần để ra một khoản tiết kiệm tối thiểu bằng 10% tổng thu nhập gia đình. Việc này không chỉ để đề phòng những lúc rủi ro, bấp bênh về kinh tế, mà còn tạo cảm giác an tâm về tài chính, để tiền tự sinh lãi thêm, gia tăng tài chính tự động cho gia đình.
Đồng thời, khi quỹ tiết kiệm đã đảm bảo tỉ lệ tương đương với 6 tháng đến 1 năm tiền sinh hoạt của gia đình thì phần tiết kiệm thêm có thể dùng để đầu tư, kinh doanh, tạo thu nhập thụ động, giúp gia đình ngày càng thịnh vượng và đạt tự do tài chính. Như vậy, vợ chồng sẽ có thời gian để chăm lo cho nhau, nuôi dạy con cái, tận hưởng cuộc sống, an tâm khi về già” - chuyên gia Trần Kim Thành chia sẻ.
Tiết kiệm là cắt bỏ những thứ lãng phí chứ không phải hạn chế các hoạt động cần thiết để dành dụm tiền bạc. Và mỗi người nên rèn cho mình tư duy tiết kiệm tiền ngay từ sớm để đảm bảo đủ chi trả cho các chi phí cá nhân, đề phòng trường hợp khẩn cấp sẽ cần một khoản tiền lớn và có thể tự chủ về tài chính của bản thân.
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
An AnBạn đang xem bài viết Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng để không gặp ‘khủng hoảng tài chính’? tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].