Mini-mall: mô hình bán lẻ tiên phong tích hợp đa dịch vụ
Kể từ khi tiếp quản hệ thống bán lẻ này vào cuối năm 2019, Masan không chỉ thành công ở việc cải thiện hiệu quả vận hành, mà còn “tái định nghĩa” không gian bán lẻ, đặc biệt là siêu thị mini WinMart+, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, thu hút thêm nhóm các khách hàng trẻ có phong cách sống hiện đại. Doanh thu thuần của WCM trong năm 2021 đạt 30.900 tỷ đồng. Kết quả đạt được nhờ nỗ lực tinh gọn hóa cửa hàng, tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí hậu cần và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. Đồng thời, Masan cũng thay đổi cách thức bài trí cửa hàng, tập trung vào các sản phẩm tươi sống đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng” và tối ưu hóa danh mục hàng bán tại từng địa phương. Với mô hình bán lẻ mini-mall, người tiêu dùng không chỉ nhận được lợi ích mua sắm “one-stop shop” (tất cả trong một). Đến nay, Masan là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất tại Việt Nam có khả năng tiếp cận 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Tại các cửa hàng mini-mall, người tiêu dùng được phục vụ từ nhu yếu phẩm (WinMart), F&B (kiosk Phúc Long), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược mỹ phẩm cho đến dịch vụ viễn thông từ nhà mạng Reddi.
Sở hữu 51% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, Masan đã mở rộng các kiosk mang thương hiệu trà & cà phê tại các cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini-mall, giúp gia tăng biên lợi nhuận cửa hàng. Trong năm 2021, 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với cửa hàng trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng / ngày.
Trong năm 2022, Masan đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có của WCM.
Chiến lược bán lẻ của Masan phù hợp với làn sóng “bán lẻ hiện đại” đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và đang chuyển đổi nhanh chóng tại Việt Nam. Một ví dụ thành công điển hình trên thế giới là Walmart - hệ thống 4.756 cửa hàng được sử dụng để nhận - giao - trả hàng, tích hợp từ offline đến online, tiếp cận 70% dân số Mỹ theo hướng tiện lợi, tiết giảm chi phí, giá rẻ.
Đẩy mạnh chuyển đổi sang nền tảng tiêu dùng – công nghệ
Chia sẻ về ưu tiên trong năm 2022, đại diện Ban lãnh đạo Masan cho biết:
“Trong thời gian sắp tới, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) để nâng cao hiểu biết về khách hàng nhằm phục vụ các sản phẩm dịch vụ tốt nhất.”
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Masan đã bắt tay với các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới và khu vực. Cái bắt tay giữa Masan và Alibaba (tập đoàn sở hữu sàn thương mại điện tử Lazada) trong năm 2021 được kỳ vọng thay đổi cơ bản cách vận hành của thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng của Việt Nam.
TMĐT là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng được phục vụ ở kênh TMĐT chủ yếu là các mặt hàng giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm.
Nhu yếu phẩm (đồ uống, thực phẩm) là lĩnh vực chiếm 50% thị trường bán lẻ và 25% chi tiêu của người tiêu dùng Việt lại chưa được phục vụ đúng cách trên kênh online. Vì thế, sức mạnh hiệp lực giữa điểm bán hiện hữu của WCM và nền tảng online của Lazada sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn.
Các siêu ứng dụng cũng là một phần trong kế hoạch bài bản của Masan. Với lợi thế có số lượng siêu thị và siêu thị mini dẫn đầu thị trường, Masan tích hợp bán hàng trên siêu ứng dụng và các sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, Masan đang có lợi thế vượt trội về cơ sở khách hàng với 98% hộ gia đình sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan, 9 triệu khách hàng trung thành tại WCM, 0,3 triệu khách hàng trẻ tại thành thị, yêu thích dịch vụ số, 5 triệu khách hàng có thu nhập khá giả từ đối tác tài chính (ngân hàng Techcombank) và tiềm năng tiếp cận hàng triệu khách hàng từ các đối tác O2O chiến lược, bao gồm Lazada.
Sở hữu cổ phần kiểm soát Công ty Cổ phần Mobicast, công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động, Masan đã triển khai thí điểm các gói dữ liệu viễn thông mang thương hiệu “Reddi” tại một số điểm bán thuộc WCM và dự kiến mở rộng ra khắp toàn quốc trong năm 2022.
Mobicast là mảnh ghép chính để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Chương trình sẽ giúp khách hàng thân thiết tận hưởng các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan.
Khách hàng có thể đặt hàng thông qua ứng dụng, tích lũy điểm để quy đổi ra chiết khấu, cập nhật thường xuyên các chương trình khuyến mãi, thanh toán không dùng tiền mặt và được giao hàng tận nơi. Nguồn dữ liệu từ tệp khách hàng offline và online cũng là một “mỏ vàng” quý giá đối với các doanh nghiệp am hiểu về sức mạnh của phân tích dữ liệu. Chủ tịch HĐQT
Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết:
“Masan hiện xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và con số này sẽ tăng gấp 5-10 lần vào 2025. Khối lượng giao dịch đồ sộ này sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn dữ liệu quý giá để thấu hiểu người tiêu dùng và phục vụ họ tốt hơn.”
Bạn đang xem bài viết Nền tảng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].