Điều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng lúa
Đất trồng lúa là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, theo đó, cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất trồng lúa thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất được hỗ trợ, bồi thường khi đáp ứng các điều kiện:
- Đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đồng thời, theo Điều 74 Luật Đất đai 2013, việc đền bù, bồi thường đất được thực hiện theo nguyên tắc:
- Người sử dụng đất có đủ điều kiện được bồi thường;
- Bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi.
Nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
- Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định khi bồi thường thu hồi đất.
Giá đền bù đất trồng lúa 2023 là bao nhiêu?
Trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc đền bù bồi thường được thực hiện như sau:
- Nhà nước đền bù bằng loại đất có cùng mục đích sử dụng. Nếu không còn quỹ đất để đền bù bồi thường thì thực hiện đền bù bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể cho người sử dụng đất (nếu đủ điều kiện đền bù, bồi thường về đất);
- Nếu thửa đất bị thu hồi không đủ điều kiện để được đền bù bồi thường về đất thì chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Theo đó, căn cứ Điều 114 Luật Đất đai 2013, trường hợp nhận tiền đền bù bồi thường tương ứng với phần diện tích đất trồng lúa bị thu hồi thì giá tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể. Giá bồi thường đất nông nghiệp sẽ dựa trên bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Ví dụ, theo Quyết định 06/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định quy định về bồi thường đất trồng lúa như sau:
Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trồng lúa hoặc các loại cây rau màu mà trước thời điểm thông báo thu hồi đất, người sử dụng đất đã đầu tư chi phí vào đất (như: làm đất, bón phân lót, chuẩn bị giống hoặc mới gieo trồng…) thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ chi phí thực tế người dân đã đầu tư đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền, mức tối đa không vượt quá 3.000 đồng/m2.
Theo quy định này, việc bồi thường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ chi phí thực tế người dân đã đầu tư đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền, mức tối đa không quá 3.000 đồng/m2.
Tóm lại, giá đất cụ thể của đất trồng lúa nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất và không có quy định về mức giá chung.
Bị thu hồi đất trồng lúa, người dân còn được bồi thường các chi phí khác
Theo khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013, ngoài các khoản đền bù bằng đất hoặc bằng tiền khi bị thu hồi, người bị thu hồi đất trồng lúa còn có thể được xem xét nhận các hỗ trợ khác như:
- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
Với những trường hợp là cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất bị thu hồi mà có điều kiện tiếp tục sản xuất thì có thể được xem xét hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ dựa trên điều kiện thực tế của địa phương.
V.LinhBạn đang xem bài viết Năm 2023, giá đền bù đất trồng lúa là bao nhiêu? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].