Lương cơ sở là một trong những căn cứ để tính mức hưởng nhiều loại trợ cấp BHXH cho người lao động. Nếu bỏ lương cơ sở, các khoản trợ cấp BHXH của người lao động sẽ bị thay đổi.
Hiện nay, lương cơ sở đang được áp dụng để tính các loại trợ cấp BHXH sau:
1 - Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
2 - Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sau sinh
Theo Điều 41 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng thai sản, trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 - 10 ngày. Mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
3 - Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Căn cứ Điều 29 Luật BHXH năm 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 - 10 ngày/năm.
Cũng theo Điều này, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
4 - Trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động
Căn cứ: Điều 48, 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
* Trợ cấp một lần khi bị suy giảm từ 5% - 30%:
Người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm khả năng lao động thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
* Trợ cấp hàng tháng khi người lao động bị suy giảm từ 31% trở lên:
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm khả năng lao động thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
5 - Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày/lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức trợ hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Căn cứ: Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
6 - Trợ cấp phục vụ
Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng do suy giảm khả năng lao động thì mỗi tháng còn được hưởng thêm trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
7 - Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết.
8 - Mức trợ cấp lương hưu tối thiểu hàng tháng
Căn cứ khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.
9 - Trợ cấp mai táng
Theo Điều 66 Luật BHXH năm 2014, người đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người chết do tai nạn lao động, người đang hưởng lương hưu… khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
10 - Trợ cấp tuất hàng tháng
Căn cứ: Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội.
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Như vậy, sắp tới đây khi bỏ lương cơ sở, căn cứ tính các khoản trợ cấp trên sẽ bị thay đổi. Tuy nhiên, những nội dung này bị thay thế ra sao từ ngày 01/7/2022 thì hiện chưa có hướng dẫn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Năm 2022, bãi bỏ lương cơ sở, mức hưởng 10 khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].