Dưới đây là những điều nhiều bậc phụ huynh vẫn tưởng là tốt cho con, nhưng thực tế lại ngược lại.
1. Nói hộ con
Nhiều khi người lớn hỏi, cha mẹ hay trả lời hộ con vì thấy con lưỡng lự. Việc trả lời hộ để con học lặp lại chỉ tốt khi con bạn đang tập nói mà thôi.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn trả lời thay con dù con đã mười ba, mười bốn tuổi, dù là ở ngoài hay ở nhà.
Hãy để trẻ tự trả lời, bạn có thể gợi ý cho con nhưng tuyệt đối không nên nói thay con.
2. Làm bạn của con
Nhiều bậc phụ huynh muốn trở thành bạn của con và không mong con giấu mình bất cứ bí mật nào. Điều đó cũng dễ hiểu, nhưng nghĩ kỹ hơn thì bạn bè chính là người mà bạn có thể nói chuyện bình đẳng, bằng vai vế.
Còn cha mẹ thì có vai trò khác. Cha mẹ chăm sóc và dạy dỗ con, nhưng không cần quá thân thiết với con. Hãy để con tự tìm những người bạn đồng trang lứa, còn cha mẹ thì luôn ở đằng sau yêu thương và ủng hộ con mình.
3. Phân biệt muốn và cần thiết
Phụ huynh biết rõ ăn rau xanh sẽ tốt hơn ăn kẹo, mua bộ quần áo thì thiết thực hơn là mua búp bê. Vậy nên cha mẹ thường bắt con phải muốn theo ý mình. Họ "đàn áp" mong muốn, ước mơ, mục tiêu của con cái.
Điều này có thể khiến trẻ trở nên nổi loạn, chống đối mọi người.
Thay vào đó, hãy tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của con, dạy con cái nào là cần thiết, đừng dạy một cách bạo lực. Nhờ đó phụ huynh sẽ tập cho con lối sống lành mạnh.
4. Giúp con quá nhiều
Trẻ 2-3 tuổi đã có thể tự thay quần áo, rửa cốc, cho quần áo bẩn vào chậu. Hơn nữa ở độ tuổi này trẻ cũng muốn được tự làm mọi thứ.
Nhưng cha mẹ lại thường giúp con quá nhiều vì nghĩ con không làm được. Chúng ta đút con ăn, không để con làm gì một mình, không để con được trải nghiệm, khiến con dựa dẫm và mắc thói hư tật xấu.
Do đó, hãy để trẻ tự lập ngay khi còn nhỏ
5. Áp đặt
Cha mẹ thường cố gắng áp đặt sở thích âm nhạc, đọc sách, quần áo của mình lên trẻ. Ai cũng có sở thích và cá tính của riêng mình, ép buộc có thể khiến con chống lại bạn.
6. Bắt con làm chuyện con không thích
Cha mẹ thường muốn con thành tài và bắt con làm những chuyện trái với sở thích của con, chẳng hạn như bắt con học đàn, học vẽ, học múa,... bất kể con thích hay không.
Hãy chú ý sở thích, năng khiếu và khuynh hướng của trẻ, hỏi xem con thích gì và để con phát triển năng khiếu đó.
7. Can thiệp vào cuộc sống của con
Khi con đến tuổi vị thành niên, con bắt đầu có bạn trai bạn gái, bắt đầu hẹn hò. Những câu tra hỏi của cha mẹ kiểu "Con đang yêu đương với ai đấy?" sẽ chỉ khiến con khó chịu.
Nhưng nếu bạn khiến con thấy an toàn, con sẽ có thể chia sẻ những điều riêng tư với bạn.
Vậy nên, thay vì tra hỏi, hãy cho con không gian riêng. Nếu con không muốn nói rõ thì đừng cố gặng hỏi con quá nhiều. Và dĩ nhiên hãy tôn trọng riêng tư của con bạn.
Thư Nguyên (theo Bright Side)Bạn đang xem bài viết Muốn trẻ trưởng thành, cha mẹ không nên làm 7 điều này tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].