Mùng 2 Tết 2023 nên làm gì?
1. Xuất hành lấy may
Xuất hành mùng 2 Tết nên ưu tiên đi về hướng Đông để cầu tài lộc, công danh, xuất hành theo hướng Tây Nam để cầu tình duyên, gia đạo.
Cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn, tài lộc tiến tới, công danh vẻ vang hơn năm cũ. Hướng xuất hành mà đẹp thì cả năm mới sẽ may mắn gấp đôi năm cũ.
2. Thăm họ hàng bên ngoại
Ngày mùng 2 nếu muốn đi du xuân ở đâu thì cũng nên đi thăm họ hàng bên ngoại trước. Việc cả nhà cùng quây quần ấm cúng bên nhau ăn bữa cơm đầu năm là nét đẹp trong văn hóa Tết Việt Nam.
Chữ hiếu được đặt lên hàng đầu nên người Việt ta từ xưa có câu mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ. Các nghi thức "Tết mẹ" cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội: con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì để rước lộc đầu năm.
3. Cúng bái tổ tiên, thần linh
Tục lệ cúng bái tổ tiên, thần linh vào mùng 2 cũng quan trọng không kém ngày mùng 1 và giao thừa.
Nếu như mâm cúng mùng 1 tết có ý nghĩa thể hiện sự nhớ ơn đối với ông bà tổ tiên và cầu mong cho năm mới tốt đẹp thì cúng mùng 2 là cúng thần linh, gia tiên để cầu mong năm mới mọi việc suôn sẻ, vạn sự hanh thông.
Cỗ cúng mùng 2 tết thường sẽ được chuẩn bị theo phong tục từng gia đình. Nếu nhà nào thờ Phật thì bắt buộc phải chuẩn bị mâm cúng chay dâng Phật.
4. Đi lễ chùa đầu năm
Không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có thể đi chùa vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, nên đến những chùa quen thuộc bạn hay đi với tấm lòng thành kính, chọn giờ đẹp để đi, hạn chế đi vào giờ quá muộn buổi tối.
Lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc.
Mùng 2 Tết không nên làm gì?
1. Kiêng cho lửa, cho nước
Lửa là tượng trưng cho sắc đỏ, sự may mắn. Bởi vậy 3 ngày Tết nói chung hay mùng 2 Tết nói riêng, việc cho lửa là cho đi sự may mắn trong năm tới, việc làm này khiến gia đình gặp nhiều rủi ro.
Còn nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt ta thường quan niệm rằng nước tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Nước còn được ví như nguồn tài lộc mà mọi người thường được biết đến trong câu chúc “Tiền vào như nước”.
2. Kiêng giặt quần áo
Mùng 1 và mùng 2 Tết theo quan niệm dân gian thì là ngày sinh của thủy thần -vị thần của sự sinh sôi, sự thịnh vượng, do đó cần kiêng giặt quần áo vào hai ngày này để tránh mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp những điều không may.
3. Kiêng trả nợ, vay mượn
Vay mượn là việc làm khi chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Cho nên người xưa quan niệm không nên vay tiền cũng như cho mượn đồ đạc trong những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm cho gia đình mình túng thiếu cả năm.
4. Kiêng ăn dở, bỏ thừa
‘Đói cả năm no ba ngày Tết’. Ngày Tết nhà nhà đều nấu ăn hết sức đa dạng, nhiều món mong cho sung túc cả năm. Vì thế không thể tránh khỏi việc thức ăn để dư thừa, bỏ phí.
Nhưng để tình trạng này xảy ra coi như cả năm buôn bán thua lỗ. Vậy nên để kiêng kỵ ngày tết, khi nấu ăn nên cân nhắc lượng đồ nấu sao cho không quá thừa, bổ sung thêm các loại hoa quả màu sắc may mắn để chữa và kiêng bỏ dở thức ăn.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo
Tuệ AnBạn đang xem bài viết Mùng 2 Tết 2023 nên làm gì, không nên làm gì để cả năm may mắn? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].