TS Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ngày 17/10, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A (H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ).
Cụ thể, ngày 5/10, trẻ có biểu hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Ngày 7/10, trẻ xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều. Lúc này, gia đình đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.
Bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.
Ngày 08/10/2022, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến ngày 10/10/2022, trẻ được BV Nhi Trung ương xét nghiệm định type cúm A/H5. Hiện bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, điều trị tại khoa Điều trị tích cực nội với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/cúm A(H5).
Ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5.
Cúm A (H5) là gì?
Cúm A (H5) là virus cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) từ những con vật bị nhiễm bệnh.
Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).
Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tỉnh khẩn trương tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
V.LinhBạn đang xem bài viết Cúm gia cầm tái xuất trên người sau 8 năm, bé gái Phú Thọ mắc đang suy hô hấp, thở nội khí quản tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].