Với kỹ thuật này, bệnh nhi được ra viện ngay ngày hôm sau. Sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.
Cháu Lương Q. H. (13 tháng, ở Hà Nội) được gia đình cho đến viện vì bẹn sưng to. Trước đó, khi trẻ quấy khóc thường xuất hiện khối sưng phồng ở bẹn. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán bị thoát vị bẹn. Bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi bằng kim Endo.
TS Phạm Duy Hiền - Trưởng khoa Ngoại, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi Nhi khoa Bệnh viện Nhi Trung ương, đồng thời cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh hoặc mắc phải, rất phổ biến ở trẻ. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và phẫu thuật cho khoảng 5.000 trẻ mắc bệnh lý này. Do còn ống phúc tinh mạc nên khi tăng áp lực ổ bụng, ruột chui xuống bìu, nếu không được phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ hoại tử ruột. Hiện phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị.
Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện đối với bệnh lý này là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu tính thắt ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên trong y văn nhiều tài liệu đề cập tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8-3,8% và tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 -30% nếu chỉ dựa vào siêu âm đơn thuần”- TS Hiền cho hay.
Trong một lần đi dự hội nghị IPEG (Hội nghị thế giới về phẫu thuật nội soi ở trẻ em) vào tháng 5/2017 tại Sendai – Nhật Bản, rất may mắn TS Hiền đã được gặp Giáo sư Masa Endo – người đã sáng chế ra kim Endo phục vụ cho phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn và ứng dụng thành công hơn 10 năm nay với 20.000 trường hợp phẫu thuật an toàn và hiệu quả. Mong muốn nâng cao chất lượng phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho trẻ, TS Hiền cùng cộng sự đã quyết tâm học hỏi, tiếp cận phương pháp này trực tiếp từ các chuyên gia của Nhật để mang về áp dụng tại Việt Nam.
Sau lần mời GS Maso Endo sang Việt Nam thị phạm ca đầu tiên, từ đó đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này với kết quả hơn 100 trẻ mắc các bệnh lý còn tồn tại ống phúc tinh mạc được phẫu thuật thành công bằng phương pháp sử dụng kim Endo. Cũng chính từ cuộc gặp gỡ đó đã mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa 2 trung tâm về các lĩnh vực trong ngành Ngoại Nhi, đặc biệt về lĩnh vực phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ em.
Sang chấn tối thiểu, an toàn tối đa, đảm bảo chức năng sinh sản cho trẻ
Theo TS Phạm Duy Hiền, mổ thoát vị bẹn bằng kim đã ra đời từ vài năm nay, tuy nhiên kim Endo của Giáo sư Nhật Bản Endo Masao có những ưu thế tuyệt vời. Một trong những những ưu điểm đáng kể nhất của phương pháp phẫu thuật này là rất an toàn, ít gây sang chấn mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam), ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Trong khi đó khi mổ mở, bác sĩ thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn, dễ gây tổn thương. Bên cạnh đó, so với đường rạch dài tầm 2cm của phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao với đường rạch chỉ 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo.
“Đặc biệt hơn, phương pháp này còn giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện nhờ quan sát dễ dàng với camera nội soi trong ổ bụng. Khi phát hiện có thoát vị bẹn bên đối diện sẽ tiến hành phẫu thuật ngay trong cùng một lần mổ. Trong khi với phẫu thuật mổ mở chủ yếu dựa vào siêu âm, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng khi đến khám và siêu âm không phát hiện ra thì phẫu thuật mổ mở bỏ sót tổn thương bên đối diện là điều rất dễ xảy ra.” – Ts Hiền cho hay.
Trước số lượng trẻ bị bệnh lý tồn tại ống phúc tinh mạc rất lớn và nguy cơ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu như hiện nay, kỹ thuật nội soi điều trị bệnh lý tồn tại ống phúc tinh mạc bằng kim Endo đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhi, đồng thời đánh dấu những bước tiến mới trong phát triển phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh viện Nhi Trung ƯơngBạn đang xem bài viết Mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ bị bệnh thoát vị bẹn được phẫu thuật tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].