Mất ngủ hậu COVID-19: Bác sĩ chỉ cách để lấy lại giấc ngủ

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ sau khi điều trị COVID-19. ThS.BS. Bùi Diễm Khuê, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn để người bệnh sớm lấy lại giấc ngủ ngon.

Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, chị Nguyễn Thu Hằng (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, sau khi mắc COVID-19 chị bị mất ngủ. Đêm nào cũng gần 2-3 giờ sáng mới có thể ngủ được đến 7 giờ là tỉnh. Cả ngày dù rất muốn ngủ nhưng dù nằm lâu trên giường, chị cũng không "dỗ" được giấc ngủ.

ThS.BS. Bùi Diễm Khuê, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, rối loạn giấc ngủ là tình trạng nhiều người mắc COVID-19 gặp phải trong và sau khi mắc COVID-19. Rối loạn giấc ngủ kéo dài nếu không được can thiệp, điều trị sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, kiệt quệ thể chất và tinh thần. Nhiều người đã phải tìm tới các cơ sở y tế để khám và sử dụng thuốc.

Vì sao hậu COVID-19 gây mất ngủ?

ThS. BS Khuê cho biết, nguyên nhân của việc rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân mắc COVID-19 có thể là do người bệnh gặp phải tâm trạng lo lắng, stress về việc bản thân mắc COVID-19. Nỗi sợ hãi khiến người bệnh ngủ không ngon, mất ngủ.

BS Khuê thông tin, khoảng 40% dân số bị mất ngủ trong thời gian đại dịch, trong khi tỉ lệ này trước đây là 24%. Thói quen ngủ của chúng ta cũng thay đổi trong thời đại COVID-19, liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý hoặc chính COVID-19 gây ra.

  Một số bệnh nhân bị mất ngủ sau khi mắc COVID-19.

Một số bệnh nhân bị mất ngủ sau khi mắc COVID-19.

Điều trị mất ngủ hậu COVID-19 thế nào?

Có 2 cách chính để điều trị mất ngủ hậu COVID-19, đó là liệu pháp nhận thức - hành vi và thuốc.

Liệu pháp nhận thức - hành vi:

Có thể thực hiện liệu pháp nhận thức - hành vi để trị mất ngủ hậu COVID-19. Đây là một liệu pháp tâm lý, giúp chúng ta thay đổi nhận thức, thói quen, suy nghĩ và hành vi liên quan đến giấc ngủ, với mục tiêu là có một giấc ngủ khỏe mạnh. Một thành phần cơ bản trong liệu pháp này là vệ sinh giấc ngủ, bao gồm:

- Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, nệm, gối thoải mái.

- Có thể nghe "tiếng ồn trắng" (white noise) hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ.

- Tránh uống trà, cà phê trong vòng 6-8 giờ trước giờ ngủ.

- Tránh hút thuốc trước giờ ngủ.

- Tránh uống rượu bia trước giờ ngủ, vì bạn sẽ bị thức giấc nhiều lần trong đêm (đôi khi không tự nhận ra được), và rượu/bia chỉ "hạ gục" bạn chứ không mang lại giấc ngủ tự nhiên.

- Uống ít nước trước khi ngủ, để không bị đánh thức vì tiểu đêm.

- Tránh ăn quá no, hoặc vận động mạnh trước giờ ngủ.

- Tránh xem điện thoại, tivi, laptop… trong vòng 1 giờ trước khi ngủ.

- Thức dậy cùng 1 thời điểm vào buổi sáng, cho dù là cuối tuần. Thói quen này sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học.

- Tránh ngủ trưa quá nhiều (20-30 phút là đủ). Không nên ngủ bù cho dù đêm trước mất ngủ, vì ngủ bù nhiều vào ban ngày, chắc hẳn đêm hôm sau bạn sẽ lại mất ngủ.

- Nếu không ngủ được khi nằm trên giường quá 20 phút, nên ra khỏi giường. Sau đó làm việc nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu (làm việc nhà, nghe nhạc, tập hít thở, thiền, viết ra những suy nghĩ trong đầu, thậm chí có thể viết nguệch ngoạc trong bóng tối mà không cần đọc lại). Tiếp đến, hãy quay lại giường khi thấy buồn ngủ. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần.

Có thể các cách trên không giúp bạn ngủ ngay, nhưng nếu kiên trì thực hành, bạn sẽ có được giấc ngủ khỏe mạnh lâu dài. Ngoài ra, với bệnh nhân hậu COVID-19, việc duy trì các thói quen này cũng góp phần giúp ổn định tâm lý, giúp người bệnh bớt lo lắng, căng thẳng.

Thuốc điều trị mất ngủ hậu COVID-19

Để điều trị mất ngủ hậu COVID-19, có rất nhiều loại thuốc, mỗi loại có tác dụng khác nhau. Tuy nhiên đều có điểm chung gây buồn ngủ, giảm lo lắng, căng thẳng ở người bệnh trước giờ ngủ.

Có thể dùng một số nhóm thuốc không cần kê toa:

- Thuốc ngủ thảo dược:

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại có thành phần như tim sen, bình vôi, lạc tiên… Có thể sử dụng các loại thuốc ngủ thảo dược này để trị mất ngủ hậu COVID-19. Các loại này thường ít tác dụng phụ.

- Melatonin:

Đây là hormone của giấc ngủ. Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân mất ngủ hậu COVID-19 có kèm theo rối loạn nhịp sinh học (ngủ dậy quá muộn, quá sớm, lệch múi giờ…). Thuốc có tác dụng tốt nếu bạn có thói quen ngủ quá trễ và cần điều chỉnh giờ đi ngủ sớm hơn.

Lưu ý, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ: Đau đầu, khó chịu ở dạ dày… Tuy nhiên, những triệu chứng này rất ít, không đáng kể.

- Thuốc kháng histamine:

Đây là thuốc chống dị ứng, thường dùng để điều trị dị ứng, có tác dụng phụ là gây ngủ. Thuốc này phù hợp với các bệnh nhân mất ngủ kèm ngứa, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ gây khô miệng, chóng mặt…

Lưu ý khi dùng thuốc

- Để điều trị mất ngủ hậu COVID-19 cần kết hợp điều trị triệu chứng hậu COVID-19 khác.

- Mỗi trường hợp mất ngủ hậu COVID-19 lại có cách điều trị khác nhau. Do đó, không được tự ý dùng thuốc. Bởi việc dùng thuốc không đúng bệnh sẽ không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

- Không nên tự ý dùng các thuốc an thần mạnh để trị mất ngủ hậu COVID-19, vì thuốc này có thể gây "lờn thuốc", gây nghiện nếu sử dụng không đúng cách.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính