12 giờ đêm, vai đeo balo bên trong đựng bệnh án của con, anh Cư A Dính dắt bé Cư A Tráng bắt xe khách xuất phát từ xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.
3 giờ 30 phút sáng, bố con anh dừng chân tại một nhà nghỉ ở huyện Đăk Mil. Nơi đây, anh Cư A Dính nuôi hy vọng thằng con sinh năm 2007 của mình sẽ được tài trợ phẫu thuật tim.
Năm nay Cư A Tráng 10 tuổi, căn bệnh tim đang tồn tại trong em đúng bằng số năm em sống.
Từ khi sinh ra đến năm 6 tuổi, cứ 1-2 tuần, hai bố con anh Cư A Dính lại dắt nhau đến bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 khám bệnh. Bác sỹ chẩn đoán bé bị tim bẩm sinh, chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng.
Số tiền này với gia đình có nguồn thu nhập chỉ dựa vào 1 sào trồng cà phê và 1 sào trồng sắn mỳ như gia đình anh là một con số khổng lồ.
Hết tuổi Tráng được khám bệnh miễn phí, anh Dính không có điều kiện đưa con đi khám nữa. Biết con mang bệnh nhưng vợ chồng anh bất lực, hằng ngày lo bữa cơm cho 4 người ăn còn chẳng đủ.
Theo anh Dính cho biết cháu Tráng thường xuyên bị ngất, leo đồi mấy bước đã thở gấp, không đi nổi.
Bác sĩ Lê Tuấn Thành (Viện tim mạch Việt Nam) khám và chẩn đoán Tráng bị tim bẩm sinh chuyển vị đại động mạch có sửa chữa (ccPGA).
Anh Dính mong muốn qua chương trình này, con anh sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí phẫu thuật tim, để cháu tiếp tục sinh hoạt và học tập như những đứa trẻ khác.
Nỗi lo của anh dường như vơi đi khi bác sĩ tư vấn hiện tại bệnh tim của con anh rất phức tạp nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé, trường hợp này nên theo dõi và khi bé lớn hơn nếu nó ảnh hưởng đến đâu thì sửa đến đó.
Mới bị người ta tông xe dẫn đến dập phổi 12 ngày trước nhưng chị Bình vẫn ráng đưa con tới khám.
Biết mẹ bị đau, cậu bé 6 tuổi này không đòi mẹ bế như mọi khi mà nắm chặt ngón tay của mẹ mình, theo mẹ tới phòng khám và phòng siêu âm.
Nhìn thằng con đang được bác sỹ siêu âm, chị Bình xót xa: ‘Nếu có thể đổi trái tim của mình cho con thì mình cũng làm’.
Sinh ra được 5 tháng, Bảo đã phải trải qua cuộc phẫu thuật do mắt bị đục thuỷ tinh thể, em gầy nhom từ ngày đó.
Cầm bệnh án khám lần cuối cùng tại BV Nhi đồng vào năm 2012, chị Bình mừng quýnh khi bác sĩ chẩn đoán cậu bé nặng 11 cân này bị hở van tim trong giới hạn cho phép.
May mắn hơn anh Dính, anh Dương và vợ của mình phấn khởi gọi điện cho người nhà ở thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, thông báo trái tim của Quỳnh Như phát triển ổn định.
2 tuổi, bác sỹ chẩn đoán Như bị hở van tim. Hai năm sau ngày nghe tin sét đánh đó, gia đình mới có điều kiện đưa em đi phẫu thuật. Sau cuộc phẫu thuật, Như không còn bị lên cơn co giật hay khóc đến ngất xỉu nữa.
Bố mẹ Như muốn đưa em đi kiểm tra lại mà chưa có điều kiện, cứ lần lữa mãi. Đến khi biết tới chương trình, anh chị ngay lập tức đóng cửa hàng, cùng nhau đưa con đi khám.
Tuổi thơ của những đứa trẻ ngay từ khi sinh ra không may mắn có một trái tim khoẻ mạnh chỉ gói gọn trong những đợt khó thở, cơn con giật, tím tái toàn thân và ngất lịm đi.
Nỗi xót xa và bất lực của các bậc phụ huynh dầy lên mỗi ngày khi chứng kiến con mình như vậy.
Nhưng bằng bản năng yêu thương của mình, các ông bố và mẹ vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng trong điều kiện có thể, dù có đang phải chạy ăn từng bữa.
‘Tại sao chị lại khóc? Tim của bé bất thường nhưng không có gì nguy hiểm cả. Chị bình tĩnh nào’, bác sỹ Quốc Anh liên tục trấn tĩnh chị Huyền (ở huyện Krông Nô) đang bế đứa con 3 tuổi của mình.
Chị Huyền lo sợ đứa con thứ hai Quỳnh Chi bị bệnh tim nặng như con đầu Thanh Vân. Khi Vân 2 tuổi, phát hiện con bị tim bẩm sinh, chị Huyền và chồng từ Đắk Nông quay về quê Nam Định vì không có tiền. Về quê, được sự giúp đỡ của bố mẹ, họ hàng, vợ chồng chị đưa Vân lên Hà Nội phẫu thuật.
3 năm ở ngoài Bắc chữa trị cho con nhưng kết quả không khả quan, vợ chồng chị lại khăn gói vào định cư ở vùng đất đỏ bazan này.
Sau khi nghe bác sỹ giải thích, động viên, chị nhìn Chi bằng đôi mắt sưng lên vì khóc nhiều, ôm lấy cô bé rất chặt.
Bác sỹ Quốc Anh là 1 trong 3 bác sỹ đến từ bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và cũng là bác sỹ trẻ nhất đoàn về với vùng đất biên giới này.
Đây là lần thứ 2 anh tham gia một chương trình tầm soát bệnh tim bẩm sinh, nhưng là lần đầu tiên anh tới nơi xa như Đắk Nông.
Mang tâm trạng háo hức lên đường cùng kinh nghiệm ít ỏi, bác sỹ trẻ lo lắng mình sẽ giúp được gì không?
Rồi từng buổi khám qua đi, anh thấy mừng vì đã dùng chính năng lượng của mình để khám và tiếp thêm sức mạnh cho nhiều phụ huynh và các bé.
Chương trình đã giúp người bác sỹ sinh năm 1992 này có thêm nhiều động lực phấn đấu và hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành một bác sỹ phẫu thuật giỏi, mang lại những trái tim khỏe mạnh cho các em.
Ở phòng cuối dãy, bác sỹ Tuấn Thành (Viện tim mạch Việt Nam) dỗ dành bé Khánh Hà đang khóc ngằn ngặt, không cho anh siêu âm.
Anh đã phải chơi trò đồ hàng bác sỹ với cô bé 23 tháng tuổi này. ‘Nào, con nhìn xem, bác có làm gì con đâu. Con cầm thử cái này đi… đấy, không đau đúng không? Thế giờ con nằm xuống nào, bác không làm con đau đâu’.
Như lời hứa, bé Hà không gào thét nữa, ngoan ngoãn để anh Thành siêu âm cho.
‘Dạ bé không sao đâu chị’, bác sỹ Ngân vừa vẫy tay ra hiệu chào em bé vừa nói. Đáp lại thông báo kết quả tốt lành đó, chị Bình cúi người ‘May mắn quá ạ, cảm ơn bác sỹ’.
Niềm vui của chị Bình lan từ phòng khám tới hành lang bệnh viện, nơi bé lớn 14 tuổi của chị Bình đang ngồi chờ mẹ và em của mình, không biết kết quả khám của thằng em 3 tuổi có ổn không?
Chị Bình yên tâm đưa con ra về với hai tờ phiếu khám ghi kết luận bình thường của hai con.
Theo thông báo, chương trình khám sẽ kết thúc vào 12 giờ trưa. Thế nhưng, đến quá thời điểm đó, còn nhiều em nhỏ chưa tới lượt khám. Các y bác sỹ vẫn miệt mài làm công việc chuyên môn của mình.
Bác sỹ An đến từ Bệnh viện tim Tâm Đức là nhận phiếu khám bệnh cuối cùng. Ngơi tay khám cũng là lúc đồng hồ chỉ 12 giờ 45 phút, đúng lúc cơn mưa lớn từ sáng tạnh ráo. Đây là lần thứ 2 bác sỹ An tham gia khám thiện nguyện cho chương trình, lần trước là ở Bình Phước.
12 y bác sỹ đến từ 4 bệnh viện: Viện Tim mạch Việt Nam, BV Tim TP. Hồ Chí Minh, BV Tim Tâm Đức và BV Đại học Y dược TP.HCM, mỗi người mang trong mình những năng lượng tích cực khác nhau.
Nhưng khi tới huyện biên giới Đắk Mil của tỉnh Đắk Nông, những năng lượng đó đã hoà vào làm một, gieo niềm vui cho 2721 em nhỏ có kết quả tốt.
Để bao sự thấp thỏm, âu lo của các bậc cha mẹ được giải toả bằng hai chữ ‘bình thường’ ở phần kết luận của bác sỹ.
Cũng với chừng ấy năng lượng, phụ huynh của 71 trường hợp bị tim bẩm sinh được các y bác sỹ tư vấn, trấn an và đưa ra lời khuyên.
Đây là lần đầu tiên miền đất đỏ bazan huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có đoàn bác sỹ về khám tim. Việc các y bác sỹ tim mạch đến khám giúp các gia đình ở đây giải toả được những nỗi lo vô hình, có thể xuất phát từ những chẩn đoán nhầm.
Đồng thời, với những trường hợp có bệnh, các bác sỹ cũng tư vấn cho gia đình, cùng tìm phương hướng giải quyết hợp lý nhất.
Sau hơn 9 năm triển khai, chương trình 'Trái tim cho em' đã hỗ trợ phẫu thuật tim thành công cho gần 4000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hơn 50.000 em nhỏ trên 34 tỉnh thành khắp cả nước.
Hoàng An và Hoài Thương (ở tỉnh Đắk Nông) là hai em nhỏ may mắn được chương trình hỗ trợ toàn bộ chi phí của cuộc phẫu thuật tim.
8 năm sau cuộc phẫu thuật tim bị hẹp thông liên thất, Hoàng An trở thành cậu bé ‘tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu’ đang học nghề nhôm kính, còn Hoài Thương là cô sinh viên năm nhất Đại học Tây Nguyên.
Cuộc phẫu thuật tim kịp thời đã giúp An và Thương có sức khoẻ để sống vui vẻ bên gia đình.
Trên hết, dưới lồng ngực trái kia là một trái tim đong đầy tình yêu thương và sống nghị lực vì những lý tưởng riêng mà mỗi em hướng tới.
Dù là những em bé đang mang trong mình một trái tim khiếm khuyết hay những người trưởng thành với trái tim khoẻ mạnh thì chương trình ‘Trái tim cho em’ chính là nơi mà mỗi người đều được ‘sửa chữa’ trái tim của mình… theo những cách khác nhau.
Để cùng nhen lên những nhịp trái tim yêu thương nơi vùng biên còn nhiều khó khăn này.