Mang bầu bị trĩ, xin đừng chủ quan
Chị Nguyễn Thị Sơn (37 tuổi, ở Xa La, Hà Nội) phát hiện bị trĩ sau một thời gian dài bị táo bón.
Là nhân viên văn phòng, chị Sơn phải ngồi nhiều, ăn uống thất thường nên táo bón kéo dài, đi ngoài ra máu.
Đi khám, các bác sĩ chẩn đoán chị Sơn bị mắc trĩ nội độ 2. Tình trạng trĩ lúc này vẫn còn nhẹ nên bác sĩ khuyên cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt kèm uống thuốc chứ chưa phải phẫu thuật.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng khi chị Sơn có thai. Theo sự lớn lên của em bé trung bụng, bệnh trĩ ngày càng tiến triển nặng hơn.
Càng những tháng cuối của thai kỳ búi trĩ ngày càng to và lòi ra ngoài. Lúc đầu, sau khi đi vệ sinh búi trĩ sa ra ngoài hậu môn đến mức chị Sơn phải dùng tay để nhét trở lại.
Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, búi trĩ lòi hẳn ra ngoài, không nhét được vào và gây đau đớn, làm chị Sơn không ngồi, không đi đứng được...
Mang thai bị trĩ nguy hiểm thế nào?
Ngoài chịu đau đớn đứng ngồi không yên, chị Sơn rất lo lắng là liệu việc điều trị trĩ có ảnh hưởng tới thai nhi trong bụng hay không. Tại một phòng khám tư gần nhà, các nhân viên y tế khuyên chị Sơn nên cắt búi trĩ vì đã có dấu hiệu biến chứng.
Là người hiếm muộn, đi thụ tinh nhân tạo mãi mới có thai nên nỗi lo của chị Sơn nhân lên gấp bội khi nghĩ đến chuyện phải phẫu thuật. Hai vợ chồng chị Sơn đã thống nhất đến bệnh viện khám và điều trị.
TS.BS Phạm Thái Hưng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, người trực tiếp điều trị cho chị Sơn cho biết: “Thai phụ này vào viện trong tình trạng búi trĩ sa ra ngoài gây tắc mạch, có những điểm hoại tử.
Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ, làm người bệnh đau đớn, không ngồi, đi đứng bình thường được, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.
Mang thai bị trĩ điều trị thế nào?
Theo BS Hưng, thông thường, với những trường hợp trĩ tắc mạch như vậy cần phải tiến hành phẫu thuật ngay để điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân này mang thai lần đầu ở tuần thai tháng thứ 8. Hơn nữa là thai thụ tinh nhân tạo nên việc lựa chọn phương pháp điều trị phải cân nhắc rất kỹ nhằm tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
“Do đó, sau khi thảo luận chúng tôi đi đến quyết định đẩy búi trĩ này vào để điều trị nội khoa. Để cho bệnh nhân đẻ xong ổn định rồi mới tiếp tục điều trị tiếp. Trong quá trình đẩy búi trĩ chúng tôi phải áp dụng các biện pháp giảm đau cơ học, dùng thuốc giảm co bóp, giãn cơ để đẩy búi trĩ vào.
Sau đó, thai phụ được điều trị bằng các thuốc Đông y với các dạng uống, bôi và ngâm vùng hậu môn để làm giảm phù nề, chống viêm tại chỗ, giảm đau đớn và giảm táo bón cho bệnh nhân.
Thật may mắn là tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, thai phụ đã vượt cạn thành công và hiện tại đang chờ sức khỏe 2 mẹ con ổn định hơn để vào viện điều trị triệt để bệnh trĩ”.
Mang thai bị trĩ làm sao sinh con an toàn?
Một trường hợp điển hình khác là chị Nguyễn Thị Phúc (35 tuổi, ở Phù Yên, Sơn La) bị trĩ độ 4 tắc mạch.
Chị Phúc mang thai lần thứ 4, cả 3 lần trước chị đều đẻ thường, búi trĩ to lên vào những tháng cuối thai kỳ, sau sinh chị P. cải thiện ăn uống, thay đổi lối sống thì sức khỏe lại trở về bình thường, bệnh trĩ ổn định hơn.
Tuy nhiên, đến lần mang thai thứ 4 này búi trĩ của chị Phúc bị lòi hẳn ra ngoài, không tự co vào được, dùng tay cũng không nhét lại được và còn gây đau đớn. Chỉ đến khi bị đau dữ dội, không ngồi, không nẳm ngửa, đi đứng được bình thường. Chị Phúc đã phải về Hà Nội nhập viện điều trị.
Thực tế thăm khám, theo dõi thai kỳ cho các bà bầu, ThS.BS Lê Thế Vũ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhận thấy, có khoảng 5 – 10 % bà bầu bị trĩ ở thể lòi ra ngoài.
Phụ nữ mang thai bị trĩ thường bắt đầu gặp ở tuần 20 của thai kỳ. Nguyên nhân là do lúc này thai nhi bắt đầu to lên gây tăng áp lực ổ bụng và dẫn đến cản trở dòng tĩnh mạch máu trở về làm phồng giãn lên và gây bệnh. Thai càng to nguy cơ bà bầu bị trĩ càng cao.
Ngoài ra, trong quá trình mang bầu, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng đảo lộn làm thai phụ dễ bị táo bón và làm tăng nguy cơ bị trĩ.
“Điều đáng nói là khi bị trĩ trong thời kỳ mang thai rất khó để điều trị triệt để. Đặc biệt, các phương pháp phẫu thuật thường không được chỉ định vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, với những bà bầu bị trĩ, chúng tôi thường kết hợp với các cơ sở y tế điều trị trĩ uy tín để thai phụ được điều trị bằng thuốc Đông y, Tây y theo đường uống, bôi, ngâm… nhằm giúp giảm triệu chứng đau, giảm bệnh tiến triển nặng cho đến khi thai phụ vượt cạn thành công xong thì mới tính đến xử trí trĩ.
Mang thai bị trĩ nên sinh thường hay sinh mổ?
Theo BS Lê Thế Vũ, tùy tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh của thai phụ mà bác sĩ sản phụ khoa sẽ đưa ra chỉ định sinh thường hay sinh mổ. Với trường hợp trĩ ở mức độ nặng thường được chỉ định sinh mổ sớm để thai phụ không bị biến chứng của trĩ (nhất với những trường hợp sa trĩ, trĩ tắc mạch”.
Về sinh thường khi bị trĩ, BS Vũ giải thích: Phụ nữ khi đẻ thưởng, đẻ thường nhiều lần có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn. Nguyên nhân là do trong quá trình rặn sinh làm tăng áp lực ổ bụng dẫn đến cản trở dòng tĩnh mạch máu trở về làm phồng giãn đám rối trĩ và gây bệnh.
Trong thai kỳ, vấn đề ưu tiên vẫn là thai nhi, vậy nên vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ sản phụ khoa để an toàn cho em bé. Việc điều trị trĩ trong giai đoạn này chỉ là phụ, các biện pháp nội khoa chỉ làm giảm triệu chứng, giảm bệnh tiến triển nặng. Còn điều trị triệt để cần được thực hiện sau khi quá trình sinh nở an toàn, mẹ và bé khỏe mạnh.
(Tên bệnh nhân trong bài viết đã được thay đổi)
An BìnhBạn đang xem bài viết Mang thai bị trĩ, bà bầu khổ sở mới tìm được cách điều trị tại chuyên mục Bệnh trĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].