ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Trưởng Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trường hợp thai phụ này được 32 tuần thai, đến bệnh viện khám vì thấy ra máu bất thường, sợ động thai nhưng khi khám, các bác sĩ không phát hiện nguy cơ nào từ thai nhi. Thai phụ rất ái ngại khi bác sĩ muốn thăm khám phụ khoa, do lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Đúng như nghi ngờ, khi khám bác sĩ phát hiện cổ tử cung của bệnh nhân có tổ chức sùi, bấm sinh thiết và cho kết quả ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Bệnh nhân được chỉ định chờ thai đến 34 tuần bác sĩ chủ động mổ lấy thai và can thiệp chữa trị ung thư cổ tử cung cho thai phụ.
Điều nguy hiểm là chị em thường nghĩ 40 - 50 tuổi mới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, mọi phụ nữ đều có nguy cơ khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt độ tuổi 15 - 44.
Mới đây, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ rất trẻ, mới 23 tuổi (ở Quốc Oai, Hà Nội) bị nhiễm vi rút HPV tuýp 16 và đã có tổn thương biểu mô vảy mức độ cao.
Bệnh nhân nữ còn rất trẻ, mắc bệnh ở giai đoạn đầu, chuẩn bị cưới, chưa có con nên các bác sĩ đã phải cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân, để sau này bệnh nhân vẫn có thể mang thai.
May mắn là cô gái này mắc bệnh ở giai đoạn đầu, nên sau khi được xử lý tổn thương tại chỗ, cắt cổ tử cung, sau ba tháng bệnh nhân đã mang thai. Ngay khi có thai, bác sĩ đã phải khâu cổ tử cung để phòng nguy cơ sẩy thai cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Thanh, có một thực tế đáng buồn là rất nhiều chị em ngại đi thăm khám phụ khoa. Họ chỉ đến viện khi đã bắt đầu có dấu hiệu như ra máu khi quan hệ tình dục, khi bị mắc bệnh lý viêm đường sinh dục dẫn đến khí hư nhiều, rong kinh… rồi “tiện thể” khám khi bác sĩ tư vấn.
Chị em không biết rằng, nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ tỷ lệ điều trị thành công 93%. Tuy nhiên, khi ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ thì tỷ lệ trị khỏi chỉ 15%.
Hơn nữa, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm rất mơ hồ, hầu như không có biểu hiện. Do đó, các chị em cần tạo thói quen đi khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP).
Ngoài ra, bệnh ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa với vắc-xin phòng cả bốn tuýp nguy cơ của vi rút HPV dành cho phụ nữ từ 9 - 26 tuổi. Vì vậy, trẻ em gái từ khi chưa có quan hệ tình dục, bắt đầu tròn 9 tuổi đã có thể tiêm để phòng nguy cơ.
Hiện nhiều chị em có suy nghĩ sai lầm rằng đã quan hệ tình dục, hoặc đã nhiễm vi rút HPV không cần tiêm vaccine nữa. Thực tế, vi rút HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vaccine vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác.
L.MinhBạn đang xem bài viết Mang thai 32 tuần bị ra máu bất thường, thai phụ đi khám phát hiện mắc bệnh nguy hiểm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].