Lương thiện nhưng không mù quáng
Lương thiện chưa bao giờ là xấu nhưng làm người cũng đừng nên quá tốt. Chẳng phải có câu: “Nước trong thì không có cá người tốt quá thì không ai chơi”. Con người, ai cũng cần phải biết giận dữ, đừng để bản thân quá hiền lành để rồi trở nên nhu nhược khiến ai cũng coi thường bạn, đến cả đứa trẻ cũng sẵn sàng ức hiếp bạn.
Làm người không phải lúc nào cũng quá lương thiện, chỉ cần người ta rơi nước mắt là vội vàng xót thương, tha thứ mà quên mất lỗi lầm họ từng gây ra cho mình để bản thân gánh chịu chi chít những vết thương.
Lương thiện đến độ ngu ngốc, chỉ cần người khác yêu cầu giúp đỡ là sẵn sàng đáp ứng không cần lý do. Ai muốn gì cũng cho, ai nói gì cũng tin thì về lâu dài sẽ không còn ai quan tâm đến cảm nhận của bạn nữa.
Trong mối quan hệ giữa người với người, người tốt với bạn bạn hãy tốt lại, còn với kẻ ức hiếp bạn đừng ngần ngại lạnh lùng đáp trả. Mỗi người chỉ sống một lần trên đời, con người thì cần có tốt, có xấu, không cần phải lúc nào cũng có thể lương thiện.
Làm người ở đời lương thiện cũng cần có đầu óc. Người khôn ngoan họ nhớ rất kỹ: “Con ngựa tốt sẽ bị người khác cưỡi, người tốt sẽ bị người khác phụ”, lương thiện tất nhiên không phải là điều xấu, nhưng đừng lương thiện một cách mù quáng.
Hào phóng cũng phải có nguyên tắc
Làm người đừng quá keo kiệt, chi li, bủn xỉn. Con người cần phải biết hào phóng, rộng rãi trong chi tiêu, trong quan hệ đối xử với mọi người. Nhưng hào phóng không đồng nghĩa với việc bạn có thể làm mọi việc, đáp ứng mọi yêu cầu mà người khác đưa ra.
Có thể bản thân bạn kiếm được tiền, có điều kiện kinh tế nhưng không phải trong cuộc vui nào bạn cũng phải hào phóng đến độ dốc sạch túi để đáp ứng bạn bè, người thân. Hôm nay bạn có thể hào phóng với ai đó, nhưng không phải lúc nào bạn cũng hào phóng một cách ngu ngốc.
Bạn nên nhớ rằng tiền bạc, của cải chỉ là vật ngoài thân nhưng không phải tự dưng mà có. Để có được ngày hôm nay bạn đã phải đánh đổi sức khỏe, mồ hôi, nước mắt của mình.
Các hành động hào phóng của bạn là một món quà và việc tặng quà thì không cần phải nhận được yêu cầu mới thực hiện. Hào phóng cần phải được thoải mái, đó là một hành động xuất phát từ trái tim hào phóng và bản thân được tự do trong đạo đức khi làm điều đó.
Bạn có thể tử tế khi giúp đỡ người khác nhưng hãy giúp đỡ họ trong khả năng của mình, đừng vì hai chữ “hào phóng” mà sẵn sàng cho đi tất cả những gì bạn có. Bạn cũng cần sống, cần tiếp tục cuộc đời của mình, cho người khác tất thảy rồi khi ấy bạn lấy gì để sử dụng cho bản thân?
Làm người, có hào phóng cũng phải có nguyên tắc, đối với những việc khiến bạn vi phạm nguyên tắc của bản thân, thì hãy dám nói chữ KHÔNG. Nếu là người thực sự suy nghĩ cho bạn, thực sự quan tâm bạn thì chắc chắn sẽ suy nghĩ đến chuyện bạn cảm thấy thế nào trước lời đề nghị vô lý đó chứ không phải khăng khăng khẳng định rằng bạn cần hào phóng hơn thế.
Theo CafeBiz
Bạn đang xem bài viết Lương thiện cần có chừng mực, hào phóng cũng phải có nguyên tắc tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].