Bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu
Văn phòng Chủ tịch nước mới họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, trong đó có Luật Cư trú, gồm 7 chương, 38 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Luật Cư trú năm 2020 được ban hành bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.
Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân.
Luật đã bãi bỏ toàn bộ thủ tục về cấp đổi, cấp lại, cấp giấy chuyển Sổ hộ khẩu. Một số thủ tục khác cũng được sửa đổi, bổ sung, như tách sổ hộ khẩu được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình và được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Do sử dụng phương thức quản lý hiện đại, nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày sẽ giảm xuống tối đa là 7 ngày.
Kể từ ngày 1/7/2021, Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú 2020 cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư
Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định:
Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
Đồng thời, khi đăng ký thường trú, khoản 3 Điều 22 Luật này nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người dân về việc cập nhật.
Như vậy, có thể thấy, từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.
Không còn điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP. HCM
Một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:
- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó;
- Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…
Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Luật pháp Việt Nam ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].